Biến chứng thần kinh trên bệnh nhân Đái tháo đường

1. Định nghĩa

– Bệnh thần kinh đái tháo đường là tổn thương dây thần kinh xảy ra do glucose máu tăng cao trong máu. Glucose máu tăng cao có thể làm tổn thương các dây thần kinh trên toàn cơ thể, tuy nhiên, ảnh hưởng thường rõ rệt nhất ở các dây thần kinh chi trên và chi dưới.

– Bệnh thần kinh đái tháo đường thường được chia thành hai nhóm chính: bệnh lý thần kinh ngoại biên (ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như thần kinh ở tay, chân, thần kinh sọ não) và bệnh lý thần kinh tự chủ (là thần kinh điều khiển hoạt động của các cơ quan như dạ dày, ruột, tim mạch, hệ tiết niệu).

2. Nguyên nhân

– Tổn thương dây thần kinh và mạch máu là yếu tố chính đưa đến bệnh thần kinh ĐTĐ. Khi glucose máu tăng cao làm tổn thương bao thần kinh, giảm vận tốc dẫn truyền thần kinh. Ngoài ra các mạch máu nhỏ nuôi thần kinh bị tổn thương làm sự cung cấp oxygen và các chất dinh dưỡng cho dây thần kinh bị suy giảm.

– Nhiều yếu tố khác cũng góp phần làm tổn thương dây thần kinh ở bệnh nhân đái tháo đường:

  • Tình trạng viêm ở thần kinh do phản ứng tự miễn: xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tưởng lầm dây thần kinh là vật lạ với cơ thể nên tấn công dây thần kinh.
  • Yếu tố di truyền.
  • Hút thuốc lá: Thuốc lá gây hẹp và cứng mạch máu, giảm lượng máu đến các chi, làm vết thương lâu lành và cũng góp phần vào tổn thương thần kinh.
  • Nghiện rượu.
  • Thời gian bị bệnh đái tháo đường: bị bệnh càng lâu (nhất là khi glucose máu không được ổn định tốt) càng tăng nguy cơ bị bệnh thần kinh. Bệnh thần kinh  ngoại vi thường gặp nhất ở các bệnh nhân đái tháo đường đã bị bệnh từ 25 năm trở lên.
  • Bệnh thận mạn: khi bệnh nhân đái tháo đường bị bệnh thận mạn, các độc chất tăng trong máu có thể làm tổn thương thêm dây thần kinh.

3. Triệu chứng

  • Triệu chứng của bệnh thần kinh đái tháo đường rất đa dạng, thay đổi tùy theo cơ quan bị tổn thương.
  • Thường triệu chứng rất mờ nhạt, do đó bệnh nhân có thể không quan tâm cho đến khi tổn thương nặng xuất hiện.

4. Kiểm soát và phòng ngừa

  • Kiểm soát tốt đường máu
  • Kiểm soát huyết áp
  • Ăn uống điều độ, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ
  • Luyện tập thể lực phù hợp với sức khỏe
  • Duy trì cân nặng thích hợp
  • Ngưng hút thuốc
  • Không uống rượu

Tóm lại biến chứng thần kinh ĐTĐ tuy ít khi gây tử vong nhưng có thể ảnh hưởng nặng nề lên chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Tốt nhất không nên để xuất hiện biến chứng thần kinh bằng cách điều trị bệnh ĐTĐ tích cực ngay từ lúc mới chẩn đoán. Nếu đã có biến chứng, điều quan trọng vẫn là điều trị tích cực bệnh ĐTĐ. Do các triệu chứng tê nhức rất khó chịu nhưng bệnh nhân không thể mô tả cảm giác của họ nên bệnh nhân rất cần sự chăm sóc và hỗ trợ của gia đình.

Trích nguồn:

  1. http://hoiyhoctphcm.org.vn/371/
  2. https://www.benhviennoitiet.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=380:ch-m-saac-baan-chaan-baaanh-nhaan-aai-thaao-aaang&Itemid=963