Đau dây thần kinh số V (còn gọi là đau dây sinh ba), là chứng đau ở vùng da mặt, thường gặp ở người phụ nữ tuổi 50 trở lên, ít gặp ở người dưới 30 tuổi.
Nguyên nhân nào dẫn đến đau dây thần kinh số V?
Cho đến nay khoa học chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây đau dây thần kinh số V. Một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố liên quan là: sang chấn mạn tính do tai nạn hay phẫu thuật làm tổn hại dây thần kinh V; đoạn bắt đầu đi ra khỏi sọ cho đến tận cùng ở da mặt bị mất lớp vỏ bảo vệ và dẫn truyền myelin; do bệnh hệ thống như Lupus ban đỏ, xơ hóa hệ thống; bệnh Zona, khi có kích thích chạm vào thì đau tăng lên nhưng đau sẽ giảm và hết khi hết triệu chứng bệnh Zona; nhiễm khuẩn giang mai; bệnh tiểu đường làm tổn thương các mạch máu nuôi dưỡng dây V làm rối loạn dẫn truyền; có sự thay đổi hóa sinh ở ngay trong dây thần kinh; có mạch máu bất thường, khối u đè lên dây thần kinh; stress đột ngột gây lo lắng quá mức trên cơ địa có tổn thương thần kinh; chụp cộng hưởng từ chất lượng cao, thấy có u lành ở trong não, hoặc có bệnh mảng xơ rải rác do một mạch máu nhỏ chèn ép vào vùng rễ của dây thần kinh số V tại thân não…
Biểu hiện của cơn đau dây thần kinh số V
Cơn đau xuất hiện sau một kích thích như chạm nhẹ hay các rung động như: rửa mặt, đánh răng, cạo râu, nói chuyện, ăn uống, gãi, gió thổi… sẽ tạo ra cơn đau bùng nổ điển hình: đau dữ dội, đau như điện giật, như dao đâm có thể kéo dài vài giây đến vài phút; đau bắt đầu từ một hay nhiều nhánh của dây V, kèm theo giật cơ. Dây V chia 3 nhánh là dây mắt (V1), dây hàm trên (V2) và dây hàm dưới (V3). Đau thường bắt đầu ở nhánh dây hàm trên hoặc nhánh dây hàm dưới; ở dây hàm trên, đau lan dọc theo xương gò má, mũi, môi trên và các răng trên; ở dây hàm dưới, đau lan theo phần dưới của xương gò má, môi dưới và xương hàm dưới. Theo một thống kê, 97% các trường hợp chỉ đau nửa mặt; có khi đau tới mức gần như không thể chịu đựng được. Giữa các cơn đau thường là những khoảng thời gian hoàn toàn bình thường hay chỉ có cảm giác đau nhẹ, do đó nhiều bệnh nhân ngại ăn uống vì đau dẫn đến sụt cân và mất nước thậm chí suy dinh dưỡng. Đôi khi có dạng đau không điển hình: đau ê ẩm nặng nề, thỉnh thoảng lại có cơn đau chói.
Đau dây thần kinh số V là bệnh có thể điều trị khỏi
Có nhiều phương pháp điều trị như sau:
– Nội khoa: Các thuốc giảm đau chống viêm thông thường có thể có tác dụng với cơn đau nhẹ; Đa số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc làm giảm sự dẫn truyền: Có thể phong bế dây thần kinh bằng cách tiêm thuốc tê… Nếu đau dây V hậu Zona (Postherpetic neuralgia) chỉ cần điều trị bằng cách tiêm thuốc tê hoặc thuốc steroid. Đa số trường hợp, dùng thuốc cũng có hiệu quả.
– Phẫu thuật: Áp dụng cho trường hợp có động mạch bất thường đè lên dây thần kinh; loại bỏ hạch hoặc nhánh dây thần kinh sinh ba bằng nhiệt, nhưng sau đó bệnh nhân sẽ tê bì vùng chi phối của nhánh dây thần kinh; Phẫu thuật giải áp vi mạch là mổ vào trong sọ để cắt bỏ hoặc tách rời mạch máu gây cơn đau dây V.
– Dùng tần số bức xạ xuyên qua da cắt bỏ hạch: Sử dụng một kim đặc biệt, đâm xuyên qua mặt để tới được hạch của dây V nằm sâu trong khối các xương sọ – mặt, rồi phóng bức xạ tần số cao qua đầu kim, bức xạ này sinh nhiệt để hủy diệt một cách chọn lọc các rễ con của dây V trước khi nó nhập vào trong hạch của dây V ở trong khe gọi là khe Meckel. Nhược điểm của phương pháp này là bệnh nhân tuy hết đau nhưng lại bị tê ở mặt, và bác sĩ cũng không có khả năng điều chỉnh chính xác mức độ gây hủy diệt rễ dây V; có khoảng 20% bệnh nhân bị cảm giác tê và thêm cảm giác nóng bỏng hay rần rần như kiến bò; khoảng 0,3% bệnh nhân bị cảm giác nóng bỏng, đau không chịu được, đau nặng hơn trước khi làm thủ thuật; Đôi khi mất cảm giác nhánh 1 của dây V và mất luôn cảm giác ở giác mạc, gây loét giác mạc, rối loạn thị lực.
– Dùng hóa chất tiêu hủy dây thần kinh: Dùng kim xuyên qua da mặt bơm glycerol tiêu hủy dây thần kinh, cần gây mê để vô cảm; biến chứng tê mất cảm giác da mặt sau khi làm thủ thuật ít hơn so với phương pháp trên nhưng lại có khả năng biến chứng viêm màng não; khả năng bị tái phát cũng cao hơn so với dùng sóng bức xạ; Ưu điểm là có thể dùng lặp đi lặp lại nếu chưa đạt yêu cầu, và biến chứng ít khó chịu hơn.
– Phẫu thuật bức xạ bằng dao gamma: Hướng các chùm tia bức xạ gamma vào vị trí cần hủy diệt nằm sâu trong não; đây là phương pháp không cần đến dao kéo hay kim chọc qua da.
– Một phương pháp điều trị khác : Là cấy một điện cực vào các thụ cảm của vỏ não, điện cực được nối với một máy tạo xung nhịp đặt dưới da, sử dụng khi điều trị nội không kết quả.