Đau răng khôn khi mang thai nên xử trí như thế nào?

Có thể nói, đau răng khôn là một trong những vấn đề răng miệng nan giải nhất nếu như mẹ gặp phải trong thời gian thai kỳ. Đau răng khôn khi mang thai mẹ nên làm như thế nào?
Nên uống thuốc? Nhổ? Hay chịu đựng cơn đau?
Cùng tìm câu trả lời qua tư vấn của Bác sỹ Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Family nhé!

1. Tại sao phụ nữ mang thai dễ bị viêm/ đau do răng khôn?
Khi mang thai, sự thay đổi nồng độ hormone trong thai kỳ ảnh hưởng đến cơ thể làm cho răng miệng trở nên nhạy cảm, dễ bị kích thích, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh về nướu, răng và các vấn đề nha khoa khác.
Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo khi có kế hoạch mang thai, mẹ cần thăm khám nha khoa để được điều trị dự phòng và hướng dẫn chăm sóc răng miệng đúng cách để hạn chế đau răng trong thai kỳ.

2. Nhổ răng khôn khi đang mang thai: Nên hay không?
Nhổ răng khôn trong thời gian mang thai không phải là việc làm cấm tuyệt đối. Mặc dù vậy, để hạn chế tối đa những nguy cơ ảnh hưởng đến em bé, các bác sỹ sẽ cố gắng điều trị và hoãn can thiệp cho đến sau khi sinh.
Mẹ không nên cố chịu đựng cơn đau hoặc tự ý mua thuốc giảm đau, kháng sinh ở ngoài để sử dụng. Việc này có thể làm cho răng bị viêm nhiễm nặng gây ổ áp xe, sưng, nhiễm trùng, sử dụng thuốc sai chỉ định có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ thai nhi.
Điều duy nhất mẹ nên thực hiện khi đau răng đó là: Thăm khám trực tiếp với bác sỹ chuyên khoa. Tại Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Gia Đình, trong những trường hợp cần thiết, tình trạng của mẹ sẽ được hội chẩn, trao đổi với bác sỹ sản khoa để có hướng điều trị tốt nhất.

3. Nếu mẹ cần phải nhổ răng khôn trong thời gian mang thai thì thời điểm phù hợp là?
– Ba tháng giữa của thai kỳ (tháng thứ 4-5-6) là thời điểm phù hợp để tiến hành nhổ răng, đây là lúc thai kỳ bước vào giai đoạn ổn định.
– Giai đoạn ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ là thời điểm rất khó để can thiệp thủ thuật, vì:
+ Cơ thể của mẹ và thai nhi rất nhạy cảm.
+ Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn hình thành các cơ quan của thai nhi, một số loại thuốc và tia X quang có nguy cơ gây dị dạng.
+ Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, cơ thể của mẹ sẽ nặng nề, mệt mỏi hơn, không thể ngồi hoặc nằm quá lâu,… những can thiệp trong giai đoạn này có nguy cơ gây sinh non.

4. Liệu X-quang, thuốc tê có an toàn cho phụ nữ mang thai?
– Tia X quang:
+ Tia X trong nha khoa có liều lượng bức xạ cực thấp và được chiếu vào phần hàm mặt nằm xa bụng mẹ, bên cạnh đó mẹ được mang áo chì khi chụp phim nên hầu như tia không có khả năng ảnh hưởng đến thai kỳ.
+ Tuy nhiên cần tránh việc chụp X quang khi mẹ đang trong 3 tháng đầu thai kỳ, bởi đây là giai đoạn hình thành các cơ quan của thai nhi, khiến thai nhi dễ bị nhiễm xạ hơn.
– Thuốc tê, thuốc uống sau nhổ răng:
+ Việc sử dụng thuốc tê Lidocain 2% với Epinephrine tỉ lệ 1: 100.000 được coi là tương đối an toàn.
+ Bác sỹ nha khoa sẽ cân nhắc nguy cơ tiềm ẩn của thuốc, giữa lợi ích và biến chứng có thể xảy ra để chỉ định các loại thuốc điều trị cần thiết cho mẹ.

5. Cách chăm sóc sức khỏe răng miệng trong thai kỳ
– Vệ sinh răng miệng sạch sau khi ăn.
– Lập chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thức ăn giàu canxi, giảm lượng đường và axit.
– Nếu có bệnh lý răng miệng cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để khám kiểm tra.
– Thăm khám định kỳ 4 – 6 tháng/ lần, thăm khám khi có kế hoạch mang thai để kiểm soát và điều trị dự phòng các vấn đề răng miệng.

Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Tâm
Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Gia Đình

👉 Follow Fanpage Trung tâm Nha khoa Thẩm mỹ để cập nhật thêm kiến thức nha khoa nhé!