Dự phòng sỏi đường tiết niệu tái phát

Ngày nay, điều trị sỏi đường tiết niệu đã không còn là câu chuyện “khó nhằn” phức tạp khi mà khoa học kỹ thuật hiện đại đã mang đến những phương pháp điều trị ít xâm lấn, hiệu quả và an toàn. Thế nhưng, sau điều trị sỏi nhiều người vẫn canh cánh nỗi lo sỏi tái phát. Làm thế nào để sỏi không quay trở lại? Bài viết này sẽ được dành để giải đáp câu hỏi đó.

Bác sỹ bệnh viện Gia Đình tán sỏi qua da cho bệnh nhân

1. Có bao nhiêu loại sỏi tồn tại trong hệ tiết niệu?
Hai nhóm có thể sỏi tồn tại trong hệ tiết niệu bao gồm:
– Sỏi vô cơ:
+ Sỏi canxi oxalat chiếm >80%
+ Sỏi calci phosphate
+ Sỏi acbonat canxi

– Sỏi hữu cơ:
+ Sỏi systin
+ Sỏi urat
+ Sỏi struvite
Trong đó, sỏi canxi oxalat là loại sỏi có tỉ lệ tái phát cao nhất, tỷ lệ tái phát trong 10 năm lên đến 30% ở những người có sỏi lần đầu.

2. Làm thế nào để dự phòng sỏi tái phát?
Lối sống, chế độ dinh dưỡng, vận động có ảnh hưởng rất lớn đến tỉ lệ và thời gian tái phát của sỏi. Mỗi một loại sỏi đều có yếu tố nguy cơ hình thành riêng chính vì vậy việc xác định loại sỏi mắc phải, thể trạng sức khoẻ sau điều trị là rất quan trọng. Kế hoạch dự phòng sỏi tái phát cần được cá nhân hoá cho từng đối tượng.

3. Chế độ dinh dưỡng
3.1. Một số nguyên tắc dinh dưỡng

– Nguyên tắc chính để hạn chế sỏi tái phát là tăng lượng nước tiểu đào thải ra khỏi cơ thể.
– Uống đủ nước mỗi ngày rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng thể, giúp làm loãng nước tiểu và giúp bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Nhờ đó cho phép loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu một cách dễ dàng.
– Giảm lượng muối còn dưới 2 gam/ngày sẽ làm giảm quá trình bài tiết canxi qua thận.
– Bệnh nhân bị sỏi tái phát nên giảm tối đa lượng protein nạp vào cơ thể còn dưới 80g/ngày.
– Khuyến khích bổ sung đầy đủ lượng canxi có nguồn gốc từ thực phẩm. Không khuyến khích sử dụng thuốc bổ sung canxi đối với bệnh nhân có tiền sử sỏi canxi.
– Duy trì cân nặng hợp lý ngoài phòng sỏi tái phát còn hạn chế các bệnh nền và giảm nguy cơ tim mạch.

3.2. Một số nguyên tắc riêng cho các loại sỏi
3.2.1. Sỏi canxi oxalat
– Hạn chế thực phẩm chứa quá nhiều oxalate như cây đại hoàng, rau chân vịt, củ dền, sô cô la,…
– Cần lưu ý, vì vitamin C có thể chuyển đổi thành oxalat, việc sử dụng các chất bổ sung vitamin C có thể làm tăng oxalat niệu và tăng nguy cơ hình thành sỏi. Do đó, liều lượng của các chất bổ sung này nên được giới hạn dưới 1000 mg/ngày. Và nên bổ sung vitamin C từ thực phẩm thay vì từ viên uống bổ sung.
– Tình trạng kháng insulin có thể làm giảm bài tiết citrat trong nước tiểu và tăng bài tiết canxi, oxalate trong nước tiểu do vậy cần có kế hoạch duy trì cân nặng và kiểm soát bệnh nền.

3.2.2. Sỏi urat
– Áp dụng chế độ ăn giảm bài tiết acid uric qua đường tiểu bằng chế độ ăn ít purin, hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin như: thịt dê, chó, chim, nem chua, nội tạng động vật, hải sản và đặc biệt là đồ uống có cồn.
– Duy trì cân nặng hợp lý.
– Hạn chế thức ăn và đồ uống có đường, đặc biệt là những loại có xi-rô có hàm lượng fructose cao.
– Hạn chế rượu bia và tránh các chế độ ăn kiêng ngắn hạn vì nó có thể làm tăng nồng độ axit uric trong máu.
– Giảm lượng protein từ động vật và ăn nhiều trái cây và rau quả sẽ giúp giảm nồng độ axit trong nước tiểu, giảm cơ hội hình thành sỏi axit uric.

3.3.3. Sỏi cystine
– Sỏi cystine ít có khả năng hình thành trong nước tiểu có tính axit thấp. Vì vậy nên ăn nhiều trái cây và rau quả, hạn chế ăn thịt.
– Can thiệp quan trọng nhất ở bệnh nhân có sỏi cystine là tăng khả năng hòa tan cystine bằng cách tăng lượng chất lỏng. Nên có lượng nước tiểu mục tiêu ít nhất 3 lít mỗi ngày ở người lớn.
– Nến uống trước khi đi ngủ khoảng 500mL và trong đêm là 300mL để duy trì nước tiểu loãng qua đêm. Lượng nước này cần được bác sỹ cụ thể hoá cho mỗi cá nhân dựa vào chức năng và mực lọc cầu thận, hoặc các bệnh lý tim mạch kèm theo.
– Chế độ ăn ít protein (<20 g/ngày), ít muối (<2 g/ngày) với lượng nước bổ sung cho cơ thể không dưới > 3 lít / ngày được khuyến cáo ở trẻ mắc chứng cystin niệu.
– Hạn chế thực phẩm chứa methionine như đậu phộng, bỏng ngô, bông cải xanh, nấm, súp lơ trắng, bơ, giá đỗ, khoai tây, rau bina, đậu xanh, đậu phụ, đậu tây, đậu đen và tempeh có thể ngăn cản sự hình thành tinh thể cystin.
– Nên ăn các loại rau có hàm lượng anion hữu cơ cao, liên quan đến pH nước tiểu như chanh dây, xoài, đu đủ …

3.2.4. Sỏi struvite
– Thực hiện chế độ ăn dự phòng tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu dưới là phương pháp chính trong dự phòng sỏi struvite tái phát.

– Các thực phẩm được khuyến khích sử dụng như:
+ Sản phẩm chứa probiotic có vai trò trong điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu dưới như sữa chua không đường, kim chi,…
+ Thực phẩm có khả năng chống nhiễm khuẩn tiết niệu như nam việt quất, tỏi, sữa chua không đường, trái cây họ cam quýt, kiwi,…
+ Thực phẩm giúp làm giảm PH nước tiểu như protein động vật, một số trái cây như cam, kiwi, nước ép nam việt quất,…

4. Chế độ vận động
– Khi có tiền sử sỏi đường tiết niệu. Bệnh nhân cần tích cực vận động, hạn chế lối sống tĩnh tại để hạn chế mắc thêm các bệnh lý chuyển hóa. Đối với mỗi cá nhân có bệnh lý, yếu tố nguy cơ cần được gặp bác sỹ để được tư vấn kế hoạch vận động phù hợp. Tuy nhiên, theo các đối tượng, độ tuổi có thể lựa chọn các bài tập như sau:

Tài liệu tham khảo:
1. ACSM’s guidelines for exercise testing and prescription
2.https://d56bochluxqnz.cloudfront.net/documents/full-guideline/EAU-Guidelines-on-Urolithiasis-2022_2022-03-24-142444_crip.pdf
3. EAU guidelines on urolithiasis 2022