Không chỉ nữ giới, nam giới cũng có thể mắc những bệnh lý về vú

Nữ hoá tuyến vú là hiện tượng ngực của nam giới to lên một cách bất thường. Bên cạnh việc khó phát hiện và mất nhiều thời gian điều trị, bệnh này còn ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.

Nữ hoá tuyến vú là gì?
Nữ hóa tuyến vú (Gynecomastia) là sự phát triển lành tính của mô tuyến vú ở nam giới, khiến cho vú lớn hơn so với kích thước bình thường. Đây là tình trạng thường gặp nhất trong nhóm các bệnh lý về tuyến vú ở nam giới.

Nguyên nhân gây ra nữ hoá tuyến vú?
Nguyên nhân gây ra bệnh này là từ sự mất cân bằng hoạt động giữa hormone Estrogen và Androgen hoặc chênh lệch tỉ lệ giữa hai nội tiết tố này – có thể là sự tăng sản xuất Estrogen hay giảm sản xuất Androgen hoặc cả hai. Được biết, Estrogen hoạt động như một hormone tăng trưởng của vú. Do đó, việc dư thừa Estrogen ở nam giới sẽ dẫn đến phì đại vú.

Phân độ nữ hóa tuyến vú theo Simon

Nữ hóa tuyến vú có thể xuất phát từ sinh lý hoặc bệnh lý.
– Nữ hóa tuyến vú sinh lý thường gặp nhất ở ba độ tuổi sau: trẻ sơ sinh, tuổi dậy thì, người lớn tuổi.
– Một số bệnh lý có thể dẫn đến nữ hóa tuyến vú như: Xơ gan hoặc các bệnh lý về gan, suy dinh dưỡng, suy thận, suy giáp, suy tuyến sinh dục nguyên phát, khối u tinh hoàn, hội chứng không nhạy cảm Androgen, hội chứng giảm 5 alpha – reductase, những bệnh lý làm tăng HcG, đái tháo đường type 1, …
– Ngoài ra, một số nhóm thuốc khi sử dụng kéo dài cũng gây ra tác dụng phụ làm phụ nữ hoá tuyến vú.
Việc đánh giá tình trạng bệnh cụ thể cần bao gồm nhiều yếu tố như tiền sử bệnh chi tiết, khám lâm sàng, xét nghiệm sinh hóa, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Để tránh làm ảnh hưởng đến tâm lý cũng như tính thẩm mĩ và chất lượng đời sống sinh hoạt, đặc biệt là nỗi lo lắng về ung thư vú thì việc đánh giá và chẩn đoán loại trừ sớm rất quan trọng.

Điều trị nữ hoá tuyến vú như thế nào?
Điều trị bệnh này có nhiều phương pháp tùy theo từng trường hợp cụ thể, có thể từ theo dõi đơn thuần đến kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục thể thao hoặc điều trị bằng thuốc, nặng hơn có thể can thiệp phẫu thuật.

Ths. Bs Bùi Thị Như Quỳnh
Đơn vị Nhũ, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Nguồn tham khảo
1. Cuhaci N, Polat SB, Evranos B, Ersoy R, Cakir B. Gynecomastia: Clinical evaluation and management. Indian J Endocr Metab 2014;18:150-8.
2. Ronald S Swerdloff, MD, MACP and Chiu Ming Ng. Gynecomastia: Etiology, Diagnosis, and Treatment, 2019.