Kiêng cữ sau sinh: NÊN hay KHÔNG?

Để bế được bé con trên tay, mẹ phải trải qua một hành trình vượt cạn đầy khó khăn và vất vả. Những vết thương trên cơ thể mẹ thường mất khoảng 6 tháng để hồi phục và những vết sẹo có thể sẽ theo mẹ cả đời. Trong dân gian thường truyền miệng nhau những phương pháp, kiêng cữ để giảm thiểu tổn thương cho cơ thể mẹ. Tuy nhiên, mẹ cần cẩn thận trong lựa chọn phương pháp, cũng như kiêng cữ như thế nào là khoa học và hợp lý để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.

1. SAU SINH, MẸ CẦN KIÊNG TẮM GỘI TRONG MỘT THÁNG?
– SAI

Mẹ không cần kiêng tắm gội mà nên biết vệ sinh cơ thể như thế nào là đúng cách. Khi cơ thể sạch sẽ, mẹ có thể cảm thấy thoải mái và ăn uống nghỉ ngơi được tốt hơn. Đặc biệt, việc vệ sinh cơ thể cẩn thận làm giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng cho mẹ.
Với các mẹ sinh mổ, cơ thể sẽ yếu và có nhiều vết thương hơn sinh thường nên mẹ cần lưu ý:
– Mẹ có thể tắm vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau sinh bằng nước ấm, tuy nhiên cần lau nhanh để tránh cảm lạnh và phải chú ý cẩn thận với vết mổ. Nếu vết thương bị ướt, mẹ có thể thay hoặc gỡ băng. Với những mẹ sinh tại Bệnh viện Gia Đình, vết thương được dán keo sinh học nên mẹ chỉ cần lau khô sau khi tắm.
– Mẹ có thể gội đầu vào ngày thứ 3 sau sinh chứ không nên để quá lâu, vì tóc bẩn có thể ảnh hưởng đến cơ thể bé nếu mẹ vô tình để tóc chạm vào con mình.

2. PHẢI HƠ THAN CHO MẸ VÀ BÉ SAU SINH?
– SAI

Vì có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cả mẹ và bé, mẹ cần lưu ý nhé.

Than sau khi đốt sẽ tạo ra khí CO và CO2 có thể gây ngộ độc cho mẹ và bé.
Nếu hít phải khí than, nhẹ nhất thì có thể ảnh hưởng xấu đến đường hô hấp, gây viêm phổi cho cả mẹ và bé., nghiêm trọng hơn có thể khiến bé ngạt thở hoặc thậm chí gây tử vong.
Có thể gây bỏng cho mẹ và bé.
Thông thường bếp than được đặt bên dưới giường nằm của các mẹ. Vì da bé còn rất non nớt mà nhiệt độ than toả ra không đều nên sẽ làm bé dễ bị bỏng. Trên thực tế, đã có trường hợp nhập viện để trị bỏng cho cả mẹ và bé vì hơ than sau sinh.
Ảnh hưởng xấu đến da mẹ và bé.
Tro than có thể bám vào người, kèm với mồ hôi do môi trường quá nóng khiến làn của mẹ và bé dễ bị rôm sảy, nặng thì nhiễm trùng da, nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiễm trùng máu.
Việc hơ than sau sinh chứa đựng khá nhiều rủi ro cho cả mẹ và bé. Ngày nay, với sự tiến bộ nhiều mặt của xã hội, các gia đình nên dùng những biện pháp an toàn và tiện lợi hơn.

3. CHƯỜM NÓNG BỤNG NGAY SAU SINH ĐỂ GIẢM VẾT RẠN DA VÀ LẤY LẠI VÓC DÁNG?
– SAI

Chườm nóng sau sinh không hẳn là có hại, tuy nhiên mẹ cần biết thời gian chườm hợp lý, nếu mẹ chườm nóng quá sớm thì phương pháp này sẽ bị phản tác dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ.
Sau khi sinh, tử cung của người mẹ sẽ co lại để cầm máu. Ban đầu tử cung co lại ngang rốn, sau đó mỗi ngày co lại 1cm, hai tuần sau sinh tử cung nhỏ xuống dưới xương vệ, 6 tuần sau các cơ quan sinh dục trở về bình thường.
Do vậy trong vòng sáu tuần sau sinh, nếu sản phụ chườm nóng, nịt quế, thảo dược nóng sẽ làm tử cung không co lại được gây băng huyết.
Nếu các mẹ muốn nịt quế, thảo dược hay chườm nóng, quấn nóng thì phải thực hiện sau sinh ít nhất 6 tuần chứ không nên nôn nóng thực hiện quá sớm. Mẹ có thể giảm cân bằng cách áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời giảm bớt lượng đường và không nên sử dụng đồ uống có cồn.

4. SAU SINH MẸ CẦN XÔNG HƠI PHỤC HỒI SÀN CHẬU?
– ĐÚNG

Xông hơi vùng kín sau sinh (hay còn gọi là xông hơi phục hồi sàn chậu) là phương pháp sử dụng hơi nước từ tinh dầu hay dược liệu để xông vào vùng kín, thúc đẩy lưu lượng máu đến mô âm đạo giúp làm sạch, loại bỏ vi khuẩn, tăng khả năng hồi phục se khít âm đạo. Xông hơi cũng kích thích thần kinh, tạo cảm giác dễ chịu từ đó giúp cơ thể mẹ thoải mái và sớm hồi phục.
Tại bệnh viện Gia Đình, phương pháp xông hơi phục hồi sàn chậu được các chuyên gia đưa vào quy trình chăm sóc mẹ sau sinh, vì những lợi ích nổi bật của nó. Để mang lại hiệu quả tốt hơn và đảm bảo an toàn cho mẹ, thay vì sử dụng những công cụ dân gian, bệnh viện đã tinh chọn dược liệu xông hơi cho mẹ cũng như cải tiến máy móc xông hơi hiện đại. Vì vậy mẹ có thể hoàn toàn yên tâm để tận hưởng mẹ nhé.

Để có một cơ thể khoẻ mạnh chăm bé và dáng người tự tin sau sinh thì mẹ không nên quá nôn nóng cũng như áp dụng những phương pháp truyền miệng. Việc áp dụng phương pháp thiếu khoa học không những không hiệu quả, đôi khi còn ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của mẹ và bé. Với những thông tin không chắc chắn mẹ nên tìm hiểu kỹ hoặc hỏi chuyên gia để có những lời khuyên hợp lý, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé, mẹ nhé.

Bác sỹ Lê Thị Xuân Nhơn
Thạc sỹ Bác sỹ Nguyễn Thị Thanh Loan
Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Gia Đình