Kỹ thuật mới đánh giá ống dẫn trứng – HYFOSY

Cần thiết chẩn đoán hiếm muộn nữ do bất thường về ống dẫn trứng

Ở Việt Nam uớc tính có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng hiếm muộn. Trong đó hiếm muộn nữ do bất thường về ống dẫn trứng chiếm khoảng 30-40% nguyên nhân.
– Nội soi ổ bụng Laparoscopy – LSC được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán những bất thường này. Tuy nhiên, LSC là phẫu thuật xâm lấn, khi thực hiện đối mặt với một số nguy cơ của việc phẫu thuật.
– Kỹ thuật chụp tử cung – ống dẫn trứng (Hysterosalpingography – HSG) tức là dùng tia X kèm thuốc cản quang, thay thế cho phương pháp LSC ít xâm lấn hơn và được dùng trong nhiều năm gần đây. Tuy vậy, HSG vẫn có các mặt hạn chế như phơi nhiễm tia xạ và iodine, có thể gặp một số vấn đề như đau bụng vùng chậu, nhiễm trùng, phản ứng phản vệ sau khi thực hiện.

Áp dụng kỹ thuật mới HYFOSY: Siêu âm buồng tử cung ống dẫn trứng sử dụng chất tương phản tạo bọt trong đánh giá ống dẫn trứng

Minh họa quá trình thực hiện HYFOSY

HYFOSY là kỹ thuật siêu âm buồng tử cung ống dẫn trứng sử dụng chất tương phản dạng bọt (Hysterosalpingo –Foam Sonography).
Việc áp dụng kỹ thuật HYFOSY giúp các bác sỹ thuận lợi đánh giá độ thông suốt của ống dẫn trứng, khảo sát tốt giải phẫu vùng chậu bao gồm cả tử cung và buồng trứng. Độ chính xác tương đương cả LSC và HSG. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện HYFOSY không ghi nhận các tác dụng phụ xảy ra cho người bệnh hiếm muộn.
Nhờ những ưu điểm đó, HYFOSY đã được thực hiện nhiều nước trên thế giới. Hiện tại Việt Nam, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng HYFOSY cho một số cơ sở y tế uy tín, đủ điều kiện thực hiện. Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Gia Đình là một trong những đơn vị đó.

Hình ảnh vòi trứng quan sát qua siêu âm HYFOSY

Những ưu điểm của kỹ thuật HYFOSY

  • Tăng khả năng có thai sau thực hiện HYFOSY
    Nghiên cứu Emanuel và cộng sự (2019) báo cáo tỷ lệ có thai tự nhiên là 19.2% sau 3 tháng thực hiện thủ thuật. Các tác giả khác ghi nhận tỷ lệ có thai tự nhiên là 10.2% sau 1 tháng, 29.9% sau 6 tháng và 34,4% sau 12 tháng thực hiện HYFOSY.
    Đây được cho là “điều kỳ diệu”, phải chăng hiện tượng “bơm rửa ống dẫn trứng” hay sau khi thực hiện thủ thuật có tác động thay đổi môi trường trong ổ bụng hoặc thay đổi nội mạc tử cung cải thiện khả năng có thai.
    Phải thừa nhận rằng đến thời điểm hiện tại, HYFOSY là kỹ thuật được nghiên cứu rõ ràng và có độ tin cậy cao về tỷ lệ có thai sau thủ thuật so với các kỹ thuật can thiệp khác.

  • Thuốc giảm đau dùng ít hơn
    – Tất cả các dữ liệu hiện có về mức độ khó chịu và đau của HYFOSY cho thấy thủ thuật ít đau, dễ chịu hơn so với thủ thuật HSG. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện HYFOSY không cần thiết phải dùng các biện pháp giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân.
  • Nguy cơ nhiễm trùng thấp
    – Theo nghiên cứu Emanuel và cộng sự (2019), sốt và viêm phúc mạc chiếm tỷ lệ thấp khoảng 0.95% trong số 1.153 bệnh nhân sau thủ thuật, nguy cơ nhiễm trùng rất thấp, do đó kháng sinh dự phòng trước thủ thuật không được khuyến cáo.
    Người bệnh sẽ cần được bác sỹ đánh giá tình trạng nhiễm trùng vùng chậu trước khi thực hiện thủ thuật, nếu bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm trùng thì mới cần thiết sử dụng kháng sinh trước thủ thuật.

HYFOSY được thực hiện có chỉ định tại Phòng khám sản – khoa Phụ Sản bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng từ tháng 5/2022. Hy vọng kỹ thuật mới HYFOSY này sẽ góp phần mang lại hiệu quả điều trị tốt, giúp ích nhiều cho bệnh nhân, đặc biệt trên bệnh nhân hiếm muộn.

Bác sỹ Huỳnh Hoàng Mi
Bác sỹ Mai Đức Tiến
Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình