Lợi ích khi nuôi con bằng sữa mẹ

1.     Bạn có biết tầm quan trong của việc nuôi con bằng sữa mẹ?

Sữa mẹ:

  • Sữa mẹ là thức ăn phù hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì các thành phần thay đổi phù hợp theo sự phát triển và nhu cầu bảo vệ cho trẻ.
  • Sữa mẹ giúp trẻ tăng trưởng, phát triển hài hòa và phòng chống suy dinh dưỡng.
  • Sữa mẹ là nguồn thức ăn hoàn hảo, dễ tiêu hóa, hấp thu đối với trẻ.
  • Sữa mẹ có lượng Protein < sữa động vật nên phù hợp với sự chức năng đào thải thận của trẻ.
  • Bảo vệ trẻ chống nhiễm khuẩn.
  • Sữa mẹ chứa các bạch cầu (lympho, đại thực bào), IgA, IgM, IgG, một số yếu tố kích thích sự phát triển của Lactobacillus Bifidus, giúp trẻ chống lại các bệnh tiêu chảy, NK hô hấp, viêm tai, viêm màng não và NK tiết niệu.
  • Sữa mẹ cũng chứa các kháng thể chống các bệnh nhiễm khuẩn mà bà mẹ từng mắc bệnh.

Viêm phổi và tiêu chảy là 2 nguyên nhân tử vong cao nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giảm nguy cơ tử vong do tiêu chảy 5-10 lần và viêm phổi 3-15 lần.

2.     Trẻ bú mẹ hoàn toàn sẽ mang lại lợi ích gì cho Mẹ và Trẻ.

Giúp cải thiện tâm lý cho bà mẹ và trẻ:

  • Bà mẹ cảm thấy thoải mái tinh thần, yên tâm và giảm được lo âu, trầm cảm sau sinh. Trẻ được âu yếm sẽ ít khóc hơn, cảm giác an toàn hơn, tinh thần và trí tuệ phát triển tốt hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe bà mẹ, giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh.
  • Giảm nguy cơ viêm tắc tuyết vú, ung thư vú, buồng trứng, chậm có thai trở lại.
  • Hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu.
  • Chi phí ít hơn
  • Bảo vệ sức khỏe trẻ của trẻ trong quá trình trưởng thành.
  • Bảo vệ trẻ chống nhiễm khuẩn
  • Giúp trẻ tăng trưởng, phát triển hài hòa và phòng chống suy dinh dưỡng.

3.     Vì sao 2 ngày đầu sau sinh nên cho trẻ bú 5-7 ml trong mỗi lần bú?

Dung tích dạ dày mới sinh chỉ bằng đầu ngón tay cái. Nếu các Mẹ lo lắng, cho trẻ lượng sữa công thức quá nhiều làm giãn dạ dày của trẻ, sau đó bú lại Mẹ sẽ không đủ sữa, trẻ sẽ quấy khóc vì lượng sữa Mẹ trong những ngày đầu là sữa non rất ít.

  • Sữa non số lượng ít nhưng độ đậm cao
  • Sữa non giàu kháng thể, nhiều protein kháng khuẩn bảo vệ trẻ khỏi nhiễm khuẩn, dị ứng và có khả năng miễn dịch nhiều bệnh mà trẻ mắc sau đẻ
  • Thiết lập hệ khuẩn chí đường ruột cho đời sống trẻ
  • Giúp đường ruột thích nghi với cuộc sống ngoài tử cung
  • Giàu vitamin A, giàu Natri, Kali, vitamin E và kẽm
  • Còn giúp trẻ dễ đi phân su.

4.   Các cữ bú nên kéo dài bao lâu là đủ?

Hãy chú ý cho trẻ sơ sinh bú ít nhất 8-12 lần trong 24 giờ, hoặc sau 2-3 giờ (tính từ thời điểm bắt đầu cho đến khi bắt đầu bú lần tiếp theo). Mỗi cữ bú của trẻ ít nhất phải bú sữa mẹ trong 10-15 phút cho một bên vú.

Thậm chí, thời gian bú có thể dao động từ 60-120 phút một lần bú. Một số bé đòi bú cả hai bên ngay từ những ngày đầu, một số khác chỉ có nhu cầu bú mỗi lần một bên. Trong lần tiếp theo hãy cho bé bú bên còn lại, để đảm bảo cả hai bầu vú đều được kích thích và được bú cạn thường xuyên.

5.     Làm thế nào để cho bé bú đúng cách?

Tư thế bú đúng

  • Ôm trẻ để bụng trẻ áp sát vào người mẹ.
  • Nâng đỡ toàn bộ cơ thể trẻ.
  • Đảm bảo tai-vai-hông trẻ nằm trên một đường thẳng song song với đường giữa cơ thể
  • Mặt trẻ hướng về bầu vú, mũi đối diện với núm vú

Cách giúp trẻ ngậm bắt vú đúng

  • Chạm môi trẻ vào núm vú mẹ.
  • Chờ miệng trẻ mở rộng.
  • Đưa trẻ tới ngậm sâu vào vú mẹ với môi dưới của trẻ ở phía dưới núm vú.

Dấu hiệu của ngậm bắt vú tốt

  • Cằm trẻ chạm vào bầu vú.
  • Miệng trẻ mở rộng, má phồng.
  • Môi dưới của trẻ trề ra ngoàI.
  • Vùng quầng vú phía trên nhìn thấy nhiều hơn phần bên dưới miệng trẻ.

6.     Hậu quả của ngậm bắt vú sai

  • Cho dùng bình bú với núm vú giả kết hợp có thể dẫn đến ngậm bắt vú sai.
  • Hậu quả ngậm bắt vú sai:
  • Đau hay tổn thương núm vú (có thể nứt cổ gà).
  • Cương tức vú, tắc tia sữa, áp xe vú.
  • Vú sẽ tạo ít sữa đi.
  • Trẻ đòi bú liên tục, khóc nhiều và mỗi lần bú kéo dài hoặc từ chối bú mẹ.
  • Trẻ tăng cân kém.
  • Nứt núm vú, viêm vú và áp xe

7.     Kỹ thuật giữ bầu vú khi cho trẻ bú

  • Bà mẹ đặt 4 ngón tay vào thành ngực ở dưới vú
  • Ngón trỏ nâng vú
  • Ngón cái để ở trên
  • Các ngón tay của bà mẹ không nên kẹp và để quá gần núm vú gây ức chế tiết sữa và sự xuống sữa khi trẻ bú.

8.     Phải làm gì khi ít sữa

  • Da kề da
  • Tư thế bú đúng
  • Bú càng nhiều càng tốt. Làm rỗng vú thường xuyên bằng cách bú trực tiếp hay vắt sữa mỗi 2-3 h, 10-15 phút mỗi lần
  • Không dùng núm giả
  • Bình tĩnh, thư giãn, nghe nhạc
  • Mẹ ăn uống đầy đủ
  • Đảm bảo trẻ thích bú: cho trẻ bú sớm sau sinh

9.     Trẻ bú đủ

  • Ngày 1 – Mỗi lần bú khoảng nữa muỗng sữa non, phân xanh đen sệt, có thể tiểu 1 lần.
  • Ngày 2 – Mỗi lần bú 1 muỗng sữa non, phân xanh đen mềm và khoảng 2 lần tiểu.
  • Ngày 3 – Mẹ có nhiều sữa hơn. Phân xanh đà và khoảng 3 lần tiểu.
  • Ngày 4 – Phân như màu xanh nhạt. Khoảng 4 lần tiểu.
  • Ngày 5 – Sữa mẹ tăng lên khoảng 500–800 ml. Phân vàng, mềm 3-4 lần. Tiểu khoảng 5 lần.
  • Từ ngày thứ 6 – 6-8 lần tiểu, 3-4 lần phân.
  • Trẻ sụt cân 7% và lấy lại cân nặng lúc sinh sau 7-10 ngày

10. Trẻ khóc nhiều quá, có phải đói không

  • Bé đói: lưu ý các dấu hiệu đòi bú
  • Sữa có mùi vị khác lạ: uống café, trà
  • Muốn ngậm bú cái gì đó (cho mút tay)
  • Đang cô đơn cần mẹ ở gần, nói chuyện
  • Bé mệt, ngủ không đủ
  • Bé ướt tã
  • Cần giúp đỡ vì có điều gì đó khó chịu: áo quần, chỉ cột tay
  • Trẻ muốn di chuyển
  • Trẻ nóng hay lạnh
  • Trẻ khó chịu vì môi trường xung quanh, ồn ào, ánh sáng
  • Chỉ muốn khóc. Các cơn khóc kéo dài đến 8 tuần rồi giảm dần

11. Tác hại của bú bình và núm vú giả.

(Ngay cả khi vắt sữa mẹ cho vào bình bú)

  • Trẻ dễ từ chối bú mẹ do sự khác biệt giữa cách ngậm nuốt bình bú và bú mẹ.
  • Trẻ dễ bị nhiễm trùng do lây nhiễm vi khuẩn qua bình và núm vú giả.
  • Trẻ thường bú quá nhiều so với nhu cầu dễ dẫn đến béo phì
  • Giảm sự gắn kết mẹ con.

12. Mẹ nên ăn uống gì khi cho con bú

  • Ăn thêm khoảng 1 chén cơm và thức ăn so với lúc mang thai (500 Kcal)
  • Không ăn mặn, ăn khô.
  • Lượng nước uống vào gấp đôi so với thường ngày, ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng thịt cá trứng sữa và các chất xơ từ rau quả.
  • Chế độ ăn bổ sung vitamin cho trẻ
  • Mẹ cho con bú giảm 0.5–1.0 kg mỗi tháng trong vòng 4–6 tháng đầu.

13. Cách bảo quản sữa:

  • Nhiệt độ phòng: 19 đến 26°C 4 tiếng (lý tưởng).Tối đa tới 6-8 tiếng (có thể chấp nhận)
  • Tủ lạnh< 4°C 3 ngày (lý tưởng). Tối đa tới 8 ngày (có thể chấp nhận)
  • Tủ đông-18 đến -20°C 6 tháng (lý tưởng). Tối đa tới 12 tháng (có thể chấp nhận).

Thông tin được tư vấn bởi: ThS.BS. Đinh Thanh Nhân
(Khoa Phụ Sản – Bệnh viện ĐK Gia Đình)