Lưu ý đeo khẩu trang giúp hạn chế lây nhiễm Covid-19

1. Bằng chứng về hiệu quả của khẩu trang

Khẩu trang được khuyến cáo là một tấm chắn đơn giản để giúp ngăn các giọt bắn từ đường hô hấp vào không khí và sang người khác khi người đeo ho, hắt hơi, trò chuyện hoặc cao giọng. Đây được gọi là kiểm soát nguồn lây nhiễm. Khuyến cáo này dựa trên những hiểu biết của chúng tôi về vai trò của các giọt bắn từ đường hô hấp đối với sự lây lan của vi-rút gây ra COVID-19, kết hợp với các bằng chứng mới từ các nghiên cứu lâm sàng và trong phòng thí nghiệm cho thấy khẩu trang có thể làm giảm việc phun các giọt bắn khi đeo qua mũi và miệng. COVID-19 chủ yếu lây lan giữa những người có tiếp xúc gần với nhau (trong phạm vi 6 feet ~ 1,83 m), vì vậy việc sử dụng khẩu trang đặc biệt quan trọng tại các địa điểm mà mọi người ở gần nhau hoặc khó duy trì các biện pháp cách ly xã hội. 

2. Ai nên đeo khẩu trang?

2.1. Mọi người dân

CDC khuyến cáo khuyến cáo mọi người ≥ 2 tuổi nên đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và khi ở gần những người không sống trong cùng nhà với mình, đặc biệt là khi khó duy trì các biện pháp cách li xã hội.

COVID-19 có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng và không biết rằng họ đã bị nhiễm. Đó là lý do tại sao việc mọi người đeo khẩu trang ở nơi công cộng và thực hiện cách ly xã hội (ở cách xa người khác tối thiểu 6 feet) là rất quan trọng.

2.2 Những người biết hoặc cho rằng họ có thể mắc COVID-19

Nếu bạn mắc COVID-19 hoặc cho rằng mình có thể mắc COVID-19 thì không đến các địa điểm công cộng. Hãy ở nhà,trừ khi được chăm sóc y tế. Ở trong một căn phòng riêng và tránh xa những người khác và vật nuôi trong nhà bạn càng nhiều càng tốt. Nếu bạn cần ở cạnh người khác hoặc động vật, hãy đeo khẩu trang (kể cả ở trong nhà). Việc đeo khẩu trang giúp ngăn ngừa người bệnh lây lan vi-rút sang người khác. Việc này sẽ giúp giữ lại các giọt bắn từ đường hô hấp và không bắn vào người khác.

2.3. Người chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19

Những người chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà hoặc tại những nơi không phải cơ sở y tế có thể cũng cần đeo khẩu trang. Tuy nhiên, tác dụng bảo vệ của khẩu trang giúp người khỏe mạnh như thế nào để tránh hít phải vi-rút vẫn chưa được biết. Để tránh mắc bệnh, người chăm sóc cũng nên tiếp tục thực hành các biện pháp dự phòng hàng ngày: tránh tiếp xúc gần nhiều nhất có thể, rửa tay thường xuyên; tránh chạm vào mắt, mũi và miệng bằng tay chưa rửa sạch; thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt.

3. Ai Không Nên Đeo Khẩu Trang?

  • Trẻ em dưới 2 tuổi.
  • Bất cứ ai bị khó thở.
  • Bất cứ ai bất tỉnh, mất khả năng hoặc không thể tự tháo khẩu trang vải nếu không có sự trợ giúp.

4. Tính khả thi và thích ứng

Mặc dù khẩu trang rất được khuyến khích để làm giảm sự lây lan của COVID-19, CDC nhận ra rằng việc đeo khẩu trang có thể không khả thi trong mọi trường hợp hoặc đối với một số đối tượng nhất định. Trong một số trường hợp, đeo khẩu trang có thể làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe thể chất hoặc tinh thần, dẫn đến tình trạng cấp cứu về y tế hoặc gây ra những lo ngại đáng kể về sự an toàn. Sự thay đổi và thích ứng nên được xem xét bất cứ lúc nào để tăng tính khả thi của việc đeo khẩu trang hoặc để làm giảm nguy cơ lây lan COVID-19 nếu không thể đeo khẩu trang. Ví dụ:

  • Những người bị điếc hoặc nặng tai – hoặc những người chăm sóc hoặc tương tác với người khiếm thính – có thể không thể đeo khẩu trang nếu họ dựa vào ngôn ngữ khẩu hình miệng để giao tiếp. Trong tình huống này, hãy xem xét sử dụng khẩu trang trong suốt. Nếu không có khẩu trang trong suốt, hãy xem xét việc có thể sử dụng phương thức giao tiếp bằng văn bản, sử dụng phụ đề hoặc giảm tiếng ồn xung quanh để có thể giao tiếp khi đeo khẩu trang che kín miệng.
  • Người khuyết tật về trí tuệ và phát triển, có tình trạng sức khỏe tâm thần hoặc nhạy cảm giác quan khác, có thể gặp khó khăn khi đeo khẩu trang. Họ nên tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để được tư vấn về việc đeo khẩu trang.
  • Trẻ nhỏ hơn (ví dụ, trẻ mẫu giáo hoặc trẻ tiểu học) có thể không biết đeo khẩu trang đúng cách, đặc biệt trong trường hợp phải đeo khẩu trang trong một thời gian dài. Ưu tiên đeo khẩu trang vào những thời điểm khó duy trì khoảng cách 6 feet với người khác (ví dụ: tại các điểm đón hoặc trả học sinh đi chung xe, hoặc khi đứng xếp hàng tại trường học). Đảm bảo khẩu trang có kích thước phù hợp, vừa vặn đồng thời thường xuyên nhắc nhở cũng như hướng dẫn trẻ em về tầm quan trọng và việc đeo khẩu trang vải đúng cách có thể giúp giải quyết những vấn đề này.
  • Mọi người không nên đeo khẩu trang khi tham gia vào các hoạt động có thể khiến khẩu trang bị ướt, như khi bơi lội. Khẩu trang ướt có thể khiến quý vị khó thở. Đối với các hoạt động như bơi lội, điều đặc biệt quan trọng là duy trì khoảng cách với người khác khi ở dưới nước.
  • Những người đang tham gia vào các hoạt động cường độ cao, như chạy, có thể không cần đeo khẩu trang nếu điều đó làm họ cảm thấy khó thở. Nếu không thể đeo khẩu trang, hãy xem xét tiến hành hoạt động đó ở một địa điểm có hệ thống thông gió và trao đổi không khí tốt hơn (ví dụ, ngoài trời thay vì trong nhà) và ở những nơi có thể duy trì khoảng cách với người khác.
  • Những người làm việc trong môi trường mà việc đeo khẩu trang có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến nhiệt hoặc gây ra lo ngại về an toàn do tạo ra mối nguy hại (ví dụ: dây đeo bị kẹt vào máy móc) có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế và an toàn lao động để xác định cách đeo khẩu trang phù hợp trong môi trường của họ. Những người làm việc ngoài trời có thể ưu tiên sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc gần với người khác, như khi di chuyển theo nhóm hoặc trong các cuộc họp và tháo khẩu trang khi có thể thực hiện cách ly xã hội.

Đeo khẩu trang là biện pháp phòng ngừa quan trọng và cần thiết nhất trong thời điểm khó có thể duy trì cách ly xã hội. Nếu không thể sử dụng khẩu trang, hãy đảm bảo thực hiện các biện pháp khác để giảm thiểu nguy cơ lây lan COVID-19, bao gồm cách ly xã hội, rửa tay thường xuyên cũng như làm sạch và khử trùng các bề mặt thường chạm vào.

5. Khẩu trang có van thở hoặc lỗ thông hơi

Mục đích của khẩu trang là để ngăn các giọt bắn từ đường hô hấp tiếp xúc với người khác nhằm hỗ trợ kiểm soát nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, khẩu trang có van hoặc lỗ thông hơi một chiều cho phép người đeo thở qua một lỗ trên vật liệu có thể đẩy các giọt bắn từ đường hô hấp ra ngoài và tiếp xúc với người khác.  Loại khẩu trang này không giúp người đeo tránh lây truyền COVID-19 sang người khác. Do đó, CDC không khuyến cáo sử dụng khẩu trang có van thở hoặc lỗ thông hơi để kiểm soát nguồn lây nhiễm.

6. Tấm che mặt

Tấm che mặt được sử dụng chủ yếu để bảo vệ mắt của người đeo. Tại thời điểm này, vẫn chưa xác định được mức độ bảo vệ của tấm che mặt đối với người xung quanh khỏi các giọt bắn từ đường hô hấp của người đeo. Hiện tại chưa có đủ bằng chứng để hỗ trợ tính hiệu quả của tấm che mặt đối với việc kiểm soát nguồn lây nhiễm. Do đó, CDC hiện không khuyến cáo sử dụng tấm che mặt để thay thế khẩu trang.

Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang có thể không khả thi trong mọi tình huống đối với một số người, chẳng hạn như những người bị điếc hoặc khiếm thính, người chăm sóc hoặc tiếp xúc với người khiếm thính. Dưới đây là một số lưu ý đối với các trường hợp phải đeo tấm che mặt thay vì khẩu trang: 

  • Mặc dù vẫn còn hạn chế bằng chứng về hiệu quả của các tấm che mặt nhưng dữ liệu có sẵn cho thấy các tấm che mặt sau đây có thể cung cấp khả năng kiểm soát nguồn lây nhiễm tốt hơn các tấm che khác: 
  • Tấm che mặt bao quanh hai bên khuôn mặt của người đeo và kéo dài xuống dưới cằm.
  • Tấm che mặt có mũ trùm qua đầu.
  • Người đeo nên rửa tay trước và sau khi tháo tấm che mặt đồng thời tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng khi tháo.
  • Chỉ nên đeo tấm che mặt dùng một lần cho một lần sử dụng duy nhất và vứt bỏ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
  • Tấm che mặt có thể tái sử dụng cần được làm sạch và khử trùng sau mỗi lần sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc theo hướng dẫn của CDC về làm sạch tấm che mặt.

KHÔNG nên sử dụng tấm che mặt bằng nhựa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

7. Khẩu trang y tế

Khẩu trang không phải là khẩu trang y tế hoặc mặt nạ hô hấp. Hiện tại, đây là những nguồn cung cấp quan trọng cần tiếp tục dành riêng cho nhân viên y tế và những người ứng phó với dịch ở tuyến đầu, theo khuyến cáo của hướng dẫn CDC hiện tại. Khẩu trang cũng không phải là vật dụng thay thế phù hợp tại nơi làm việc mà khẩu trang y tế hoặc mặt nạ hô hấp được khuyến cáo hoặc yêu cầu sử dụng và có sẵn.

TÓM TẮT

  • Mọi người nên đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng và khi ở gần những người không sống trong cùng nhà vớimình, đặc biệt là khi khó duy trì các biện pháp cách ly xã hội.
  • Khẩu trang có thể giúp ngăn những người mắc COVID-19 lây lan vi-rút sang người khác.
  • Khẩu trang có thể làm giảm sự lây lan của COVID-19 khi mọi người sử dụng rộng rãi tại các địa điểm công cộng.
  • KHÔNG nên đeo khẩu trang cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, cho bất cứ ai khó thở, hoặc bất tỉnh, không thể di chuyển hoặc không thể tự tháo khẩu trang nếu không có sự trợ giúp.
  • KHÔNG nên đeo khẩu trang có van thở hoặc lỗ thông hơi để ngăn ngừa việc người đeo lây lan COVID-19 sang người khác.

ThS.Bs. Đinh Thanh Nhân
Khoa Sản – Bệnh viện ĐK Gia Đình

Nguồn: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prevent-getting-sick/cloth-face-cover-guidance.html