Một số bệnh lý tuyến vú lành tính ở phụ nữ giai đoạn mang thai và cho con bú

Bệnh lý lành tính tuyến vú là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai và cho con bú. Những thay đổi về nội tiết trong cơ thể làm sản phụ có thể cảm nhận sự tăng độ dày của mô tuyến vú hoặc sờ thấy các khối u ở giai đoạn này.

Một số bệnh lý tuyến vú lành tính ở phụ nữ giai đoạn mang thai và cho con bú:
1. Viêm vú
– Theo WHO 2000, viêm vú là tình trạng mô tuyến vú bị viêm, có thể có hoặc không kèm theo yếu tố nhiễm trùng, thường thấy trong thời kỳ cho con bú, và một số ít ở các bà mẹ trong giai đoạn thai kỳ. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là trong 6 tuần đầu sau sinh.
– Nguyên nhân thường gặp nhất là do vi khuẩn Staphylococcus và Streptococcus gây nhiễm trùng ngược dòng từ núm vú bị tổn thương và sữa còn tồn đọng ở bầu ngực.
– Biểu hiện thường gặp là vú có dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau. Siêu âm vú sẽ được bác sỹ thực hiện nếu có biểu hiện đáp ứng kém kháng sinh hoặc nghi ngờ hình thành áp xe.
– Điều trị viêm vú bao gồm liệu pháp kháng sinh, kháng viêm, tích cực giải phóng sữa tồn đọng.

2. Áp xe vú
– Áp xe vú là tình trạng tụ mủ khu trú ở mô vú, phát triển như một biến chứng của viêm với tỉ lệ 5–11%.
– Yếu tố nguy cơ gây bệnh: tình trạng viêm vú điều trị không hiệu quả, những nguyên nhân làm tắc tuyến sữa.
– Điều trị bao gồm kháng sinh, kháng viêm và dẫn lưu ổ mủ.

3. U sợi tuyến
– Khối u lành tính nhất được phát hiện trong thai kỳ và giai đoạn cho con bú là u sợi tuyến.
– U sợi tuyến thường xuất hiện trước thai kỳ nhưng khó để các sản phụ phát hiện cho đến khi chúng phát triển dưới sự ảnh hưởng kích thích của nội tiết và biểu hiện dưới dạng một khối u “mới” hoặc lớn dần lên.
– U sợi tuyến thường là một khối u chắc, di động, không đau, có thể có ở một hoặc cả 2 vú.
– Đối với trường hợp khối u đã tồn tại trước khi mang thai và phát triển trong thai kỳ cũng được theo dõi tương tự như các trường hợp trên, nhưng bác sỹ sẽ cần siêu âm cẩn thận để loại trừ các đặc điểm nghi ngờ.

4. Tiết dịch máu núm vú
– Tiết dịch máu núm vú là một hiện tượng hiếm gặp với tỷ lệ khoảng 0,1 %. Tình trạng này thỉnh thoảng xuất hiện trong thai kỳ, thường là vào quý 3 thai kỳ và hầu hết đều lành tính.
– Tiết dịch máu núm vú trong thời kỳ hậu sản có thể liên quan với một số yếu tố như nứt kẽ núm vú, viêm vú, chấn thương hoặc u nhú ống tuyến. Tuy nhiên, một tình trạng sinh lý hiếm gặp, được gọi là “đường ống rỉ sét”, có thể gây chảy máu đầu vú không đau ở phụ nữ mang thai và sau sinh.
– Hội chứng “đường ống rỉ sét” là tình trạng cho con bú sữa mẹ mà màu sắc của sữa mẹ có màu hồng, cam, nâu tương tự như nước bẩn chảy ra từ một đường ống cũ rỉ sét. Trong hầu hết các trường hợp, hội chứng được chữa khỏi một cách tự nhiên trong vòng 3 đến 7 ngày sau khi bắt đầu tiết sữa.
– Trong các trường hợp chảy dịch tự nhiên ở một bên vú không kèm sờ thấy khối u, siêu âm có thể được thực hiện để đánh giá các ống tuyến dưới quầng vú để loại trừ u nhú hoặc ung thư vú thể nhú.

5. Nang bọc sữa
– Nang bọc sữa là khối u không đau, lành tính thường gặp trong vài tuần hoặc vài tháng ở phụ nữ sau khi ngừng cho con bú. Một số trường hợp xuất hiện trong giai đoạn đang cho con bú thường liên quan đến việc giảm tần số cho bú. Nang bọc sữa đôi khi cũng xuất hiện trong quý ba thai kỳ.
– Nguyên nhân gây ra tình trạng là do có sự tắc nghẽn của ống dẫn sữa và tiết sữa.
– Hầu hết các bọc sữa có xu hướng tự thoái triển và không cần chọc hút. Tuy nhiên, khi nang bọc sữa là một khối u phức tạp hoặc gây khó chịu cho bệnh nhân thì cần được chọc hút dưới hướng dẫn siêu âm.

6. U tuyến sữa
– U tuyến sữa có thể thấy chủ yếu trong quá trình cho con bú và quý ba của thai kỳ, một số trường hợp xuất hiện ở quý I và quý II thai kỳ.
– U xuất hiện do sự tăng sản quá mức của một vùng mô tuyến sữa hoặc phát triển trên một u sợi tuyến có sẵn từ trước. U tuyến sữa có thể tự nhiên biến mất vào cuối thời kỳ mang thai, cho con bú hoặc có thể biến mất do hoại tử, giống như u xơ tuyến.
– U tuyến sữa có đặc điểm rất giống u sợi tuyến: khối u mềm, di động, không đau, có thể xuất hiện nhiều khối và ở cả 2 vú. Đặc điểm nổi bật của khối u này là có xu hướng biến mất đi sau khi ngừng cho bú.
– Bromocriptine đã được sử dụng để giảm kích thước của u tuyến sữa bằng cách ức chế tiết prolactin.

Khoảng 80% bệnh nhân có biểu hiện khối u vú trong quá trình mang thai và cho con bú thường lành tính.

Bệnh lý tuyến vú lành tính là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ có thai và đang cho con bú. Khi sản phụ phát hiện thấy những biểu hiệu bất thường của tuyến vú nên đến các cơ sở y tế để được bác sỹ thăm khám, theo dõi và thực hiện siêu âm, sinh thiết trong trường hợp cần thiết.

ThS.BS. Bùi Thị Như Quỳnh
Phòng khám Nhũ, Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Gia Đình

Tài liệu tham khảo:
1. Deboni FA, Moldenhauer M, do-Nascimento MB. “Rusty pipe” syndrome: benign and rare cause of bloody nipple discharge during breastfeeding: case report. Residencia Pediatrica. 2018;8:151–3.
2. Hall JE, Guyton AC. Guyton and Hall textbook of medical physiology, 12th ed. Philadelphia, PA: Saunders/Elsevier, 2011
3. Harris JR. Diseases of the breast, 3rd ed. Philadelphia, PA: Lippincott Williams & Wilkins, 2004
4. Mitchell KB, Johnson HM, Eglash A, Academy of Breastfeeding Medicine ABM clinical protocol #30: breast masses, breast complaints, and diagnostic breast imaging in the lactating woman. Breastfeed Med. 2019;14:208–14
5. Ji Hoon Yu, Min Jeong Kim, Hyonil Cho, Hyun Ju Liu, Breast diseases during pregnancy and lactation, Obstetrics Gynecology Science, 2013 May; 56(3): 143–159.