Nang giả tụy

1. Phẫu thuật thành công điều trị Nang giả tụy tại BV Gia Đình

Với tiền sử Sỏi túi mật, cùng thói quen uống nhiều bia rượu, bệnh nhân B.D (nam – 54 tuổi), nhập viện điều trị tại Bệnh viện ĐK Gia Đình đầu tháng 3/2021. Với triệu chứng ban đầu là đau bụng quanh rốn và hạ sườn phải. Được biết, “Tình trạng này kéo dài đã lâu, nhiều lần đau bụng trước đó mà chưa đi khám. Nay bệnh tình không thuyên giảm nên đến BV Gia Đình khám để nhờ các bác sĩ điều trị dứt điểm”, bệnh nhân B.D chia sẻ thêm.

Qua thăm khám, kết hợp các xét nghiệm cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán nang giả tụy lớn vùng thân tụy, sỏi túi mật.

Để đưa ra phương án điều trị thích hợp cho người bệnh, Phó Giám đốc chuyên môn, Bác sĩ Gây mê hồi sức, Bác sĩ Ngoại tiêu hóa đã tiến hành hội chẩn và thống nhất phương pháp điều trị tốt nhất lúc này là Mổ cắt túi mật, nối nang tụy – hỗng tràng Roux – en – Y.

Sau khi các xét nghiệm tiền phẫu có kết quả bình thường, với sự đồng thuận của bệnh nhân và người nhà, ThS.BS. Nguyễn Hoàng cùng ekip đã tiến hành phẫu thuật. Ca mổ kéo dài trong khoảng 3 tiếng đồng hồ.

3 ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể đi lại, ăn uống, bụng mềm, vết mổ khô, đại tiểu tiện bình thường.

BN chia sẻ, “Tôi khỏe hơn, ăn uống ngon miệng nhiều hơn, không còn cảm giác đầy bụng mỗi lần ăn như trước, cảm giác đau cũng không còn, bây giờ tôi có thể ăn gì cũng được. Đáng lẽ tôi nên điều trị sớm hơn. Xin cám ơn bệnh viện và quý y bác sĩ đã tận tình cứu chữa”.

2. Hiểu về Nang giả tụy

Nang giả tuỵ chiếm phần lớn các tổn thương dạng nang của tuỵ (khoảng 75-80%). Nang giả tuỵ là sự tập trung khu trú chất dịch có nồng độ cao của amylase (và các men tuỵ khác) trong một cấu trúc dạng nang mà thành của nó không có lớp biểu mô.

Nang giả tuỵ có ba nguồn gốc hình thành:

  • Vỡ ống tuỵ (2/3 các nang giả tuỵ có thông thương với ống tuỵ)
  • Tụ dịch cấp tính quanh tuỵ trong và sau viêm tuỵ cấp
  • Sự khu trú và vách hoá của phần mô tuỵ bị hoại tử trong viêm tuỵ cấp

Nguyên nhân của nang giả tuỵ:

  • Viêm tuỵ cấp
  • Viêm tuỵ mãn (nguyên nhân thường gặp nhất)
  • Chấn thương tuỵ (thường gặp ở trẻ em)

Xuất phát điểm của nang giả tuỵ là ống tụy vỡ gây ra tình trạng tụ dịch quanh tuỵ (do hoại tử một phần thành các ống tuỵ nhỏ trong viêm tuỵ cấp, hay tăng áp lực trong ống tuỵ do chít hẹp, hay sỏi ống tuỵ trong viêm tuỵ mãn).

Dịch tụ thường được hấp thu trong phần lớn các trường hợp. Những trường hợp dịch không thể hấp thu sẽ gây phản ứng xơ hoá với các cấu trúc chung quanh, tạo thành vỏ bao, hình thành nang giả tuỵ.

Một nang giả tụy cần trung bình 4 đến 6 tuần để hình thành, với kích thước thay đổi từ vài cm lên hàng chục cm.

Dịch nang thường trong nhưng cũng có thể có màu đỏ bầm do chứa máu và mô hoại tử. Trong 95% các trường hợp, dịch nang có nồng độ amylase cao, và đây là một trong những đặc điểm để chẩn đoán phân biệt giữa nang giả tuỵ và nang “thật” (bướu tân sinh) của tuỵ.

3. Nang giả tụy có nguy hiểm không?

– Thoái triển (25%)
– Phát triển (tăng kích thước, thành nang dày lên)
– Nang giả tụy có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Chảy máu: Do vỡ một phình giả động mạch trên thành nang (thường là động mạch lách)
  • Nhiễm trùng
  • Vỡ nang: Vào ống tiêu hoá hay vào xoang phúc mạc
  • Chèn ép: Vào đường mật (gây tắc mật), vào ống tiêu hoá (gây tắc ruột).

4. Triệu chứng của nang giả tụy

  • Tiền căn viêm tuỵ hay chấn thương vào vùng thượng vị
  • Đau thương vị dai dẳng sau chấn thương hay viêm tuỵ (triệu chứng thường gặp nhất)
  • Chán ăn, sụt cân
  • Nôn ói
  • Vàng da
  • Sốt
  • Khối u vùng thường vị (sờ được trong một số ít các trường hợp)
  • Hội chứng xuất huyết trong nang giả tuỵ:
    • Đau đột dữ dội vùng thượng vị
    • Dấu mất máu cấp: da tái niêm nhạt, tụt huyết áp, Hct giảm
    • Đôi khi nghe được âm thổi vùng thượng vị

5. Chẩn đoán nang giả tụy

Nang tụy có thể được chuẩn đoán dựa vào triệu chứng thực thể, xem xét tiền sử bệnh của bệnh nhân như bệnh nhân có bị viêm tụy hay chấn thương vùng bụng hay không và dựa vào kết quả của các kỹ thuật chuẩn đoán hình ảnh như:

  • Xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh đặc trưng cho nang giả tụy: siêu âm bụng, CT scan bụng, MRI bụng, siêu âm qua nội soi
  • Xét nghiêm dịch nang qua chọc hút: Giúp chẩn đoán chính xác thành phần dịch nang, phân biệt nang giả tụy và nang tụy thật

6. Nang giả tụy điều trị như thế nào?

6.1. Nội khoa

  • Điều trị triệu chứng, nâng đỡ tổng trạng trong khi BN chưa có chỉ định điều trị bằng thủ thuật hay phẫu thuật

6.2. Điều trị nang giả tụy chưa biến chứng

– Dẫn lưu nang qua da
– Dẫn lưu nang qua nội soi dạ dày tá tràng
– Phẫu thuật cắt nang
– Phẫu thuật dẫn lưu trong:

  • Là phương pháp được lựa chọn trong đa số các trường hợp
  • Tỷ lệ thành công 85-90% và tái phát rất thấp
  • Nối nang với thành sau dạ dày
  • Nối nang với thành bên tá tràng
  • Nối nang với hỗng tràng theo phương pháp Roux – en – Y

6.3. Điều trị nang giả tụy có biến chứng

– Nang giả tuỵ nhiễm trùng: Kháng sinh kết hợp dẫn lưu nang
– Nang giả tuỵ chèn ép: Dẫn lưu nang
– Nang giả tuỵ xuất huyết:

  • Thông động mạch, chụp động mạch, gây tắc động mạch chảy máu
  • Phẫu thuật cầm máu

– Nang giả tuỵ vỡ vào xoang phúc mạc: rửa bụng, dẫn lưu xoang bụng, dẫn lưu nang.

Thông tin bài viết được cung cấp bởi ThS.BS. Nguyễn Hoàng
(Khoa Ngoại, BV ĐK Gia Đình)