Nguy cơ sẩy thai trong thai kỳ thụ tinh ống nghiệm

Nỗi lo lắng mang tên sẩy thai

Khi mong con, người phụ nữ luôn mang trong mình cảm giác lo lắng và áp lực. Thậm chí, việc biết mình có thai sau khi thụ tinh ống nghiệm (IVF) vẫn mang lại nhiều cảm xúc trái chiều. Có thể đó là cảm giác hạnh phúc và mong đợi khi mang trong mình một hình hài bé nhỏ, nhưng cũng có thể là những nỗi lo lắng về sẩy thai, nhất là đối với những người đã từng bị sẩy thai một hoặc nhiều lần trước đó.

Sẩy thai là tình trạng mất thai trước tuần 20 của thai kì, xảy ra khoảng 10 -15% trong tổng số thai kì. Hầu hết các trường hợp sẩy thai xảy ra trong 12 tuần đầu của thai kì và  nguy cơ sẩy thai chỉ còn 2% khi thai trên 12 tuần tuổi.

Khi sẩy thai, người phụ nữ có thế bị xuất huyết âm đạo, đau bụng hoặc đôi khi, không có triệu chứng gì. Thai có thể tự sẩy hoàn toàn, một số trường hợp còn sót cần thiết phải dùng thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây sẩy thai sớm là bất thường di truyền của phôi. Ngoài ra, sẩy thai có thể do các vấn đề khác như rối loạn tự miễn dịch, thiếu hụt các hormone tuyến giáp, các vấn đề với nội mạc tử cung hoặc do sự bất thường về giải phẫu của tử cung. Những bất thường trong quá trình làm tổ và phát triển của thai có thể là một hoặc nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng sẩy thai liên tiếp.

Làm gì để giảm nguy cơ sẩy thai?

Sẩy thai sớm là điều không ai mong muốn, nhất là khi mang thai IVF.

Tuy nhiên, ở những trường hợp có tiền sử bất thường về di truyền, miễn dịch hoặc có tiền sử sẩy thai thì sẽ có một số biện pháp để cải thiện kết cục thai kì. Tốt nhất, hai vợ chồng nên đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn các nguy cơ và đưa ra các biện pháp dự phòng phù hợp. Có thể kể đến như:

  • Trường hợp có tiền sử sẩy thai, hoặc sẩy thai liên tiếp: Thông thường, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định bổ sung nội tiết sớm
  • Trường hợp thừa cân, béo phì: Việc giảm cân sẽ là một phương pháp hiệu quả để phòng ngừa sẩy thai sớm.
  • Trường hợp rối loạn nội tiết, rối loạn miễn dịch: Bác sĩ có thể điều trị hỗ trợ trước và sau chuyển phôi để dự phòng nguy cơ sẩy thai.
  • Trường hợp hở eo tử cung: Những biện pháp can thiệp như khâu vòng eo cổ tử cung, đặt vòng nâng Arabin sẽ được xem xét.
  • Trường hợp có bất thường di truyền, tiền sử sẩy thai: Việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm kết hợp xét nghiệm tiền làm tổ (PGT – preimplantation genetic testing) được khuyến cáo nhằm loại trừ phôi có bất thường di truyền, trước khi chuyển vào buồng tử cung, giúp giảm tỉ lệ sẩy thai cho bệnh nhân.

Tự chăm sóc bản thân

Khi đã từng bị sẩy thai, hoặc sẩy thai liên tiếp, bạn sẽ phải trải qua khoảng thời gian khó khăn về tinh thần, thể chất và tài chính. Điều quan trọng nhất lúc này là biết cách tự chăm sóc bản thân:

  • Hai vợ chồng tuyệt đối không sử dụng rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích khác.
  • Áp dụng chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, uống đủ nước, nghỉ ngơi hợp lý, giữ vệ sinh cá nhân và vận động nhẹ nhàng.
  • Các hoạt động giảm căng thẳng như đi bộ, nghe nhạc… sẽ góp phần mang lại một thai kỳ khỏe mạnh.

********

Tóm lại, sẩy thai là một điều không ai mong muốn và cảm giác lo lắng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, lo lắng chỉ làm trầm trọng thêm những tác động không mong muốn. Hãy tìm đến một nguồn hỗ trợ tinh thần đáng tin cậy, có thể từ bạn đời, gia đình, bạn bè, bác sĩ và bệnh viện chuyên khoa, hoặc từ tất cả mọi người xung quanh để đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đôi khi một câu trả lời trấn an là tất cả những gì bạn cần.

Nếu có câu hỏi hoặc thắc mắc, đừng ngần ngại liên hệ với bác sĩ hỗ trợ sinh sản, bác sĩ sản khoa, bác sĩ tâm lý… để được hỗ trợ.

Dược sĩ Phạm Thị Hồng Hạnh, Bác sĩ Cao Thị Thuý
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY

Tài liệu tham khảo:

1. The 10 most common questions about miscarriage (IVF Australia a member of virtus health)
2. Tạp chí “Y học sinh sản” hội nội tiết sinh sản và vô sinh thành phố Hồ Chí Minh tập 54 “Sẩy thai, nguyên nhân và cách xử lý