Vai trò của nội soi phế quản trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường hô hấp

Nội soi phế quản ống mềm đang triển khai tại bệnh viện Đa khoa Gia Đình được xem là “cánh tay phải đắc lực” giúp các bác sỹ phát hiện những tổn thương liên quan đến phế quản và phổi một cách nhanh chóng và chính xác nhất để chẩn đoán & điều trị cho bệnh nhân.

Hiện nay có rất nhiều kỹ thuật mới được sử dụng để phát hiện bệnh lý hô hấp nguy hiểm, đặc biệt là ung thư phổi. Bên cạnh chụp cắt lớp vi tính thì nội soi phế quản ống mềm được đánh giá là phương pháp chẩn đoán chính xác và hiện đại nhất, giúp ích rất nhiều cho công tác chẩn đoán sớm và điều trị các bệnh lý trong chuyên khoa hô hấp.

1. Nội soi phế quản ống mềm là gì?
Nội soi phế quản là một thủ thuật giúp bác sỹ quan sát trực tiếp đường hô hấp bằng một ống soi mềm để chẩn đoán các bệnh lý về phổi, cho phép bác sỹ dễ dàng lấy mẫu mô, tế bào, dịch của phổi để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, nội soi phế quản ống mềm còn được sử dụng trong điều trị một số bệnh về phổi.

2. Tính ưu việt của nội soi phế quản ống mềm
– Ống nội soi phế quản được trang bị camera, màn hình độ phân giải cao, màu sắc trung thực cùng hệ thống đèn Xenon, dải tần hẹp NBI, thêm vào đó ống soi mềm mại, dễ đưa ống sâu vào trong lòng các nhánh phế giúp các bác sỹ dễ dàng quan sát và can thiệp ngay cả đối với những vị trí khó tiếp cận nhất của hệ hô hấp.

– Quá trình thực hiện kĩ thuật trung bình sẽ kéo dài 5-10 phút bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn hay khó chịu nhờ vào sự hỗ trợ của kỹ thuật vô cảm gây tê hoặc gây mê.

– Nội soi phế quản ống mềm là một trong những phương pháp hữu hiệu để tầm soát và phát hiện các bệnh lý đường hô hấp.

Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng hiện nay là cơ sở y tế sở hữu hệ thống nội soi phế quản ống mềm hiện đại bậc nhất hiện nay, kết hợp nhiều hệ ánh sáng, bộ xử lý hình ảnh, camera, màn hình độ phân giải cao cho hình ảnh sắc nét, trung thực. Nhờ kỹ thuật này, nhiều bệnh nhân đã được phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý đường hô hấp, viêm phổi, các nhiễm trùng do vi khuẩn, ung thư phổi đặc biệt là gắp dị vật trong lòng phế quản.

Bác sỹ đang thực hiện nội soi phế quản cho một bệnh nhân ho kéo dài có bất thường phổi phải khi quan sát qua Xquang

3. Khi nào cần thực hiện nội soi phế quản?
Nội soi phế quản được chỉ định thực hiện khi bác sỹ nghi ngờ bệnh nhân có bệnh lý ở đường dẫn khí, ở phổi hoặc phế quản như:
• Khối u ở phổi, hạch bạch huyết, xẹp phổi hoặc những thay đổi được nhìn thấy trên phim X-quang hoặc qua các khảo sát chẩn đoán hình ảnh khác.
• Nghi ngờ bệnh mô kẽ phổi.
• Ho ra máu.
• Có dị vật trong đường thở.
• Ho kéo dài hơn một tháng nhưng không biết nguyên nhân.
• Nhiễm trùng phổi và phế quản nhưng không thể chẩn đoán bằng các phương pháp khác.
• Áp xe phổi, giãn phế quản, xẹp phổi.
• Khó thở không rõ nguyên nhân.
• Tràn dịch màng phổi.
• Khàn tiếng, liệt dây thanh,…

4. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện nội soi phế quản?
– Thăm khám kĩ về tiền sử bệnh và tình trạng sử dụng thuốc hiện tại.
– Thực hiện một số xét nghiệm như chụp phim phổi, xét nghiệm chức năng đông máu, chức năng thận và điện giải, điện tim.
– Nhịn ăn ít nhất là 6 tiếng trước khi thực hiện nội soi nhằm tránh nguy cơ hít sặc dịch thức ăn cũ từ dạ dày trong quá trình thao tác.

5. Thời gian hồi phục sau nội soi phế quản?
Nội soi phế quản là một thủ thuật tương đối nhanh chóng và không gây đau đớn. Sau nội soi người bệnh cần ở lại bệnh viện trong vài giờ cho đến khi thuốc tê/thuốc mê hết tác dụng, khi người bệnh có lại phản xạ ho, thường trong vòng 2 giờ, đây là điều kiện an toàn để ăn uống trở lại qua đường miệng.
– Trong thời gian này, huyết áp và nhịp thở cũng được nhân viên y tế theo dõi sát sao để kiểm tra các biến chứng.
– Nếu trong quá trình nội soi có dùng thuốc an thần, người bệnh nên tránh lái xe, vận hành máy móc và uống rượu trong 24 giờ tiếp theo.

6. Những nguy cơ có thể xảy ra khi nội soi phế quản
Các bệnh nhân sau khi nội soi phế quản có thể trở lại hoạt động bình thường sau 24 giờ thực hiện. Tuy vậy, một số người có thể bị đau họng và khàn giọng trong vài ngày tiếp theo. Một tỷ lệ rất hiếm gặp phải các rủi ro như chảy máu khi sinh thiết khối u, nhiễm trùng, thủng phế quản, kích thích gây co thắt phế quản, co thắt thanh quản, tràn khí màng phổi,… Chính vì vậy, nếu có bất kỳ triệu chứng nào bất thường sau khi thực hiện nội soi phế quản, cần đến khám lại ngay để được kiểm tra và kịp thời xử lý.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc và tử vong do các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp tăng mạnh. Tại Việt Nam, ung thư phổi đang là một trong những bệnh có tỷ lệ tử vong cao hàng đầu, đặc biệt là ở nam giới. Tuy nhiên, căn bệnh này nếu được phát hiện sớm khả năng chữa khỏi bệnh và kéo dài tuổi thọ là rất cao. Người bệnh khi có những triệu chứng bất thường như: Ho kéo dài chưa rõ nguyên nhân, ho ra máu, khàn tiếng, liệt dây thanh âm,… nên đi thăm khám sớm để được bác sỹ thăm khám và tầm soát nhằm phòng ngừa nguy cơ, chủ động điều trị kịp thời tránh những biến chứng nghiêm trọng đến sức khoẻ.

Thạc sỹ Bác sỹ Đoàn Thị Thu Trang
Khoa Nội
Bệnh viện Đa Khoa Gia Đình