Phẫu thuật nội soi lấy dị vật đường tiêu hóa

Vừa qua, Bệnh viện Gia Đình đã thực hiện thành công ca phẫu thuật nội soi ổ bụng, lấy dị vật dài 4cm, nhọn 2 đầu cho bệnh nhi 7 tuổi.

1. Vừa ăn vừa chơi, trẻ nhập viện cấp cứu vì nuốt phải dị vật

Bệnh nhi D.P (Nam, 7 tuổi, trú tại Đà Nẵng), nhập viện trong tình trạng đau bụng quanh rốn, đau từng đợt quặn bụng trong hơn 1 ngày nhưng không đỡ. Gia đình chia sẻ thêm, “Bé thường có thói quen vừa ăn vừa xem tivi, không tập trung nên gia đình cũng sợ là bé vô tình nuốt phải một một số vật dụng nhỏ trong nhà, hoặc xương cá, xương thịt”

Bố mẹ đưa cháu đến Bệnh viện Gia Đình trong trạng thái tỉnh táo, tiếp xúc tốt, nhiệt độ 38 độ, không khó thở, rì rào phế nang rõ, không tức ngực, nhịp tim đều, tiểu thường, không buốt rắc, ăn uống được, không nôn, đại tiện phân vàng, phản ứng thành bụng rõ, 2 hố chậu mềm.

Sau khi được bác sĩ thực hiện xét nghiệm máu và một số cận lâm sàng cần thiết, kết quả phát hiện hình ảnh một dị vật bất thường, có hai đầu nhọn. Xác định nguy cơ dị vật đâm thủng ruột non, bệnh nhi D.P được chuyển mổ cấp cứu ngay trong đêm, sau khi hội chẩn liên khoa Ngoại – Nhi.

Hình ảnh dị vật

Theo ThS.BS. Nguyễn Hoàng (Khoa Ngoại, BV Gia Đình – Đại diện ekip mổ): “Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi vùng bụng. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi ghi nhận ổ phúc mạc của cháu có dịch mủ, tập trung quanh các quai ruột non quanh rốn. Dị vật có dài khoảng 4cm, nhọn 2 đầu, đâm thủng xuyên thành ruột non, gây thủng ruột non.

Hiện tại, sau 7 ngày, sức khỏe của cháu đã ổn định, ăn uống ngon miệng, không còn đau bụng, bụng mềm. Cháu được cắt chỉ và xuất viện vào ngày 29/8/2020.

Bệnh nhi D.P (Nam, 7 tuổi, trú tại Đà Nẵng) được bố mẹ đưa đến Bệnh viện Gia Đình
Sau 7 ngày, sức khỏe của cháu đã ổn định, ăn uống ngon miệng, không còn đau bụng, bụng mềm. Cháu được cắt chỉ và xuất viện vào ngày 29/8/2020.

2. Nguy cơ dị vật đường tiêu hóa ở trẻ

Dị vật đường tiêu hóa là một cấp cứu ngoại khoa, cần được chẩn đoán và xử trí sớm, vì ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, nhiều trường hợp có thể dẫn đến tử vong. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, trẻ đa phần tự chơi trong nhà, nếu không có sự giám sát và chăm sóc của người lớn, rất dễ tự ý cho vào miệng và nuốt phải những vật thể nguy hiểm, tiêu biểu như tăm tre, đinh, cúc áo, đồng xu…

Dị vật có thể gặp bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa: miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại trực tràng và hậu môn nhưng hay gặp nhất là ở thực quản và ruột non. Nếu không lấy dị vật kịp thời, một số biến chứng có thể xảy ra như thủng nội tạng chảy máu, áp xe tại chỗ, nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong.

3. Dấu hiệu nhận biết dị vật đường tiêu hóa

Tùy vào vị trí của dị vật trong đường tiêu hóa mà sẽ có những triệu chứng khác nhau

– Dị vật thực quản: Ngay sau khi nuốt phải dị vật, người bệnh thường có triệu chứng nuốt vướng, nuốt đau, không ăn uống được, buồn nôn/nôn mửa. Đây là vị trí dị vật mà bệnh nhân thường đến khám sớm nhất. Bệnh nhân có thể tức ngực, đau vùng sau xương ức, khó thở. Giai đoạn sau đó có thể nhiễm trùng ngay tại vị trí dị vật, bệnh nhân biểu hiện sốt, đau nhiều vùng họng cổ, giai đoạn muộn có thể áp xe thực quản, áp xe trung thất, đe dọa tính mạng

– Dị vật dạ dày: Thường dị vật mắc kẹt lại tại môn vị. Bệnh nhân buồn nôn, có thể nôn hoặc không, thường vẫn ăn uống được và đến khám khi giai đoạn muộn

– Dị vật ruột non hay đại trực tràng: Thông thường bệnh nhân sẽ không biết mình đã nuốt phải dị vật. Triệu chứng thường xuất hiện sau 24 giờ. Bệnh thường đau bụng âm ít giai đoạn đầu, giai đoạn muộn thường biểu hiện hội chứng nhiễm trùng, bệnh cảnh viêm phúc mạc do dị vật gây ra

4. Các phương pháp điều trị phổ biến

  • Đối với dị vật đường tiêu hóa cao: Dị vật tại thực quản, dạ dày, tá tràng có thể nội soi qua đường miệng để lấy dị vật, khi ở giai đoạn sớm
  • Đối với dị vật đường tiêu hóa thấp : Dị vật tại ruột non, đại trực tràng, và đặc biệt khi dị vật đã gây ra biến chứng đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm điều trị và tay nghề cao. Tùy vào phẫu thuật viên cũng như điều kiện của cơ sở y tế mà bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hay mổ mở, có cắt ruột hoặc có làm hậu môn nhân tạo hay là không.

5. Lời khuyên của bác sỹ

Dị vật đường tiêu hóa, đặc biệt dị vật ở lứa tuổi trẻ nhỏ, rất khó để phát hiện ở giai đoạn sớm. Đứng trước một trường hợp đau bụng ở trẻ em, quý vị phụ huynh không nên chủ quan. Đặc biệt trong mùa dịch này, càng ngại việc đến khám tại bệnh viện, thì bệnh lý này lại càng chẩn đoán muộn

Xin lưu ý trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh vừa ăn vừa cười đùa, mất tập trung, tránh ăn các thức ăn dai, gân, có lẫn xương. Nên cắt nhỏ thức ăn cho người cao tuổi và trẻ nhỏ. Bỏ thói quen ngậm tăm sau khi ăn, bóc vỏ thuốc khỏi vỉ trước khi dùng. Khi có tiệc tùng, hết sức cẩn thận trong quá trình ăn uống

Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc một trường hợp đau bụng mà không giải thích được lý do, xin hãy đến khám tại cơ sở y tế gần nhất. Hoặc đến tại bệnh viện chúng tôi.