Phẫu thuật thành công cho em bé thừa 4 ngón tay, chân

Sau ba năm cân nhắc, bé T.L (6 tuổi) được phụ huynh đưa đến Bệnh viện Gia Đình để cắt bỏ 4 ngón tay/chân thừa ở cả hai bên. Sau 3h đồng hồ, cuộc phẫu thuật đã diễn ra thành công với 2 kíp bác sĩ tiến hành song song để rút ngắn tối đa thời gian thực hiện. Được biết sự xuất hiện đồng thời của dị tật thừa ngón ở cả tứ chi cùng lúc là một trường hợp cực kỳ hiếm gặp, chỉ với một số ít trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới.

Ngày 27/6, Chị H.M (Quảng Nam) mẹ của T.L đưa bé đến bệnh viện Gia Đình để thăm khám và bày tỏ mong muốn thực hiện phẫu thuật để loại bỏ những ngón tay, chân thừa cho bé. Mỗi bàn tay, bàn chân của T.L có đến 6 ngón, tổng cộng em có 12 ngón tay, 12 ngón chân. Mặc dù các ngón tay chân vẫn phát triển và có xương bình thường nhưng việc dư thừa các ngón khiến cho sinh hoạt của em bị cản trở, đặc biệt là khi lựa chọn giày, vận động, chạy nhảy.

Hình ảnh hai bàn tay chân bị thừa ngón của T.L qua Xquang

Ngay sau khi tiếp nhận, Bác sĩ bệnh viện Gia Đình đã chỉ định thực hiện X-quang, các cận lâm sàng cần thiết và tiến hành hội chẩn. Cuộc hội chẩn không chỉ có sự tham gia của các bác sĩ đơn vị Cơ Xương Khớp và bác sĩ Gây mê Hồi sức, mà còn có sự góp mặt của ThS.BS. Tạo hình Thẩm mỹ Phạm Ngọc Quang, nhằm đảm bảo không chỉ chức năng mà còn về thẩm mỹ cho bàn tay và bàn chân của T.L. sau khi phẫu thuật. “T.L còn nhỏ tuổi, để giảm thiểu tối đa thời gian phẫu thuật, tránh tác dụng phụ không mong muốn từ việc sử dụng thuốc mê trong thời gian dài, ekip đã quyết định huy động 03 bác sĩ, chia thành 2 kíp thực hiện đồng thời trên cả hai tay và chân cho em.” ThS.BS. Nguyễn Đình Hoà, Phó Khoa Ngoại Bệnh viện Gia Đình chia sẻ.

Bác sĩ CKI Đoàn Thị Nguyệt Thuỷ cho biết thêm: Khi T.L được đưa vào phòng phẫu thuật, vì con có chỉ số BMI lớn, mạch máu rất khó để xác định đường truyền tĩnh mạch phục vụ cho quá trình vô cảm. Bác sĩ gây mê đã cân nhắc và quyết định sẽ lấy ven cho T.L dưới hướng dẫn của siêu âm để đảm bảo cuộc phẫu thuật được diễn ra thuận lợi an toàn.

Ekip các bác sĩ phẫu thuật tỉ mỉ thực hiện từng động tác để vừa đảm bảo chức năng vừa đảm bảo thẩm mỹ cho em

Quá trình điều trị bắt đầu với hai ngón thừa ở chân trái và phải. Tại đây, các bác sĩ tiến hành cắt xương, kết hợp xương, tái tạo dây chằng và gân, sau cùng là khâu thẩm mỹ để vết sẹo sau này sẽ hoàn hảo nhất. Được biết đây cũng là nguyện vọng của gia đình vì dị tật ở bàn chân làm T.L rất khó để chọn giày dép, hầu như từ nhỏ đến lớn em chưa bao giờ mang được giày. Sau khi đã loại bỏ phần ngón chân thừa xong, các bác sĩ bắt đầu thực hiện tương tự ở hai bàn tay.

Một số hình ảnh tay chân T.L trước và sau khi phẫu thuật

Sau 3 giờ đồng hồ, ca phẫu thuật kết thúc thành công, T.L được chuyển về phòng hậu phẫu. Hai ngày sau phẫu thuật, hai tay em đã có thể thực hiện các nhiệm vụ đơn giản như nắm đồ vật, không còn bị khó chịu và đau đớn. Chị H.M – mẹ của T.L bày tỏ: Gia đình mình đã từng có ý định đưa bé đi phẫu thuật lúc 3 tuổi, nhưng mà vì bé rất khó, không hợp tác với bác sĩ nên chưa dám làm. Bây giờ bé sắp vào lớp một, cả nhà quyết tâm thực hiện sớm, tránh để lại tâm lý tự ti cho bé. Chị rất cảm kích vì con chỉ đau rất ít sau phẫu thuật, vết mổ khô, nhanh lành thương. Mỗi ngày trôi qua, nhìn bàn tay và bàn chân T.L được phục hồi, vết sẹo khó thấy, gia đình rất biết ơn các bác sĩ.

Trao đổi thêm về ca phẫu thuật, Bác sĩ CKI Huỳnh Đắc Anh chia sẻ: dị tật thừa ngón là một tình trạng bẩm sinh khi có ngón tay hoặc ngón chân thừa (nhiều hơn 5 ngón), dị tật này gặp phải ở khoảng 2/1000 trẻ sơ sinh, thường cần phải phẫu thuật để điều trị. Tuy nhiên, sự xuất hiện đồng thời của dị tật thừa ngón ở cả tứ chi cùng lúc là một trường hợp cực kỳ hiếm gặp, chỉ với một số ít trường hợp được báo cáo trên toàn thế giới. Tình trạng phức tạp này đặt ra những thách thức to lớn cho cả bệnh nhân và nhóm bác sĩ phẫu thuật. Bởi đây là một kỹ thuật phức tạp, dễ xảy ra biến chứng nên bố mẹ cần cân nhắc lựa chọn những cơ sở thăm khám và điều trị uy tín để con yêu được chữa trị tốt nhất, đảm bảo khả năng hồi phục và không để lại di chứng về sau.

Thông tin được ghi nhận bởi:
– Báo Lao Động
– Báo Tuổi Trẻ
– Báo Doanh Nghiệp
– Báo Mới
– Báo Pháp luật Hồ Chí Minh
– Báo Sài Gòn Giải Phóng
– Báo Sức khoẻ Đời sống
– Báo Tiền phong
– Kênh 14
– Báo Công An Nhân Dân
– Báo Thanh Niên