Sức khoẻ tinh thần trong Covid-19

Khi đại dịch COVID-19 nhanh chóng quét qua khắp thế giới, nó đã và đang gây ra tình trạng sợ hãi và lo lắng trong cộng đồng nói chung, nhất là những người lớn tuổi, những người có bệnh lý nền. Mọi người sợ hãi hoặc lo lắng cho chính sức khoẻ của họ và người thân, công việc hoặc trình trạng kinh tế, cả những khoản trợ cấp xã hội mà họ phụ thuộc vào. Dù biết rằng giãn cách xã hội là biện pháp cần thiết để giảm thiểu sự lây lan của Covid-19, nhưng song hành với nó, mức độ cô đơn, trầm cảm, tỉ lệ sử dụng thuốc lá, rượu và ma túy cũng như hành vi tự hại hoặc tự sát đang có dấu hiệu tăng lên toàn cầu. 

Dưới đây, chúng tôi sẽ cung cấp đến mọi người những khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm giúp đỡ chính bạn, người thân và cộng đồng mạnh mẽ hơn, bớt lo lắng và căng thẳng trong đại dịch COVID-19:

1. COVID-19 đã và có khả năng ảnh hưởng đến mọi người từ nhiều quốc gia, ở nhiều vị trí địa lý. Khi đề cập đến những người mắc COVID-19, không gắn bệnh với bất kỳ dân tộc hoặc quốc gia cụ thể nào. Hãy đồng cảm với tất cả những người bị ảnh hưởng. Bởi họ không làm điều gì sai trái và họ xứng đáng nhận được sự hỗ trợ, lòng trắc ẩn và lòng tốt của chúng ta.

2. Không nên coi những người mắc bệnh là “trường hợp COVID-19”, “nạn nhân” “gia đình COVID-19”. Họ chẳng may là “những người nhiễm COVID-19”, “những người đang được điều trị COVID-19”, hoặc “những người đang hồi phục sau COVID-19”. Và, sau khi hồi phục sau COVID-19, cuộc sống của họ sẽ tiếp tục với công việc của họ, gia đình và những người thân yêu. Đó là lý do danh tính của họ không được tiết lộ để tránh sự kỳ thị.

3. Tìm kiếm thông tin cập nhật vào các thời điểm cụ thể trong ngày, một hoặc hai lần. Dòng tin tức đột ngột và gần như liên tục về một đợt bùng phát có thể khiến bất cứ ai cảm thấy lo lắng. Do đó, bạn cần tiếp nhận sự thật, không phải tin đồn và thông tin sai lệch. Thu thập thông tin thường xuyên từ trang web của WHO và cổng thông tin của cơ quan y tế địa phương để giúp bạn phân biệt sự thật với tin đồn vì sự thật có thể giúp giảm thiểu nỗi sợ hãi.

4. Bảo vệ bản thân và hỗ trợ người khác. Giúp đỡ người khác trong lúc họ cần có thể mang lại lợi ích cho cả người được hỗ trợ và người được trợ giúp. Ví dụ, duy trì liên lạc qua điện thoại với những người hàng xóm, bạn bè hoặc những người trong cộng đồng của bạn, những người có thể cần thêm một số trợ giúp. Giãn cách xã hội không đồng nghĩa với việc đóng sầm cánh cửa kết nối bạn và thế giới.

5. Tìm cơ hội để quảng bá những câu chuyện tích cực và đầy hy vọng cũng như những hình ảnh tích cực về những người đã trải qua COVID-19. Ví dụ, những câu chuyện về những người đã khỏi bệnh hoặc những người đã hỗ trợ một người thân quen của bạn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của họ.

6. Tự chăm sóc bản thân trong thời gian cách ly xã hội bằng các phương pháp: tập hít thở sâu, yoga hoặc thiền; cố gắng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh; tập thể dục đều đặn; ngủ đủ giấc; tránh sử dụng quá mức rượu và các chất kích thích…

ThS.BS. Đinh Thanh Nhân
Khoa Phụ sản – Bệnh viện Gia Đình

Nguồn:

1. https://www.who.int/docs/default-source/coronaviruse/mental-health-considerations.pdf?sfvrsn=6d3578af_10
2. https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/daily-life-coping/managing-stress-anxiety.html