Tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi bằng cách nào?

Ung thư phổi hiện vẫn đang là căn bệnh có tỷ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong đứng hàng đầu trong các loại ung thư ở cả 2 giới. Số liệu WHO năm 2020 công bố, Việt Nam có thêm hơn 26.200 ca mắc mới ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong, chỉ xếp thứ 2 sau ung thư gan. Thật đáng tiếc, có đến 60-70% bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, tiên lượng rất khó khăn. Do đó, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi ở giai đoạn đầu rất hữu ích cho việc điều trị, kéo dài thời gian sống và giảm tỷ lệ tử vong.

1. Nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây ung thư phổi
Nhiều yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi đã được xác định.
Trong đó hút thuốc lá (kể cả thụ động) là nguyên nhân phổ biến nhất, có đến 80-85% bệnh nhân ung thư phổi liên quan đến thuốc lá. Hút thuốc càng nhiều, càng lâu năm thì nguy cơ ung thư phổi càng cao. Việc ngừng hút thuốc sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển ung thư phổi.
Những yếu tố nguy cơ khác bao gồm: ô nhiễm không khí, các bức xạ ion hóa, khí Radon, Amiante, một số virus, tiền sử mắc các bệnh hô hấp mạn tính (lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), tiền sử gia đình mắc ung thư (bố mẹ, anh chị em ruột).

2. Các phương pháp sàng lọc: Khám lâm sàng, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp
Các dữ liệu nghiên cứu gần đây cho thấy, với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị ung thư phổi, việc tiến hành sàng lọc chẩn đoán sớm ung thư bằng chụp cắt lớp với liều xạ thấp hàng năm tăng được thêm 20% số trường hợp ung thư phổi được phát hiện khi so với chụp X Quang phổi thông thường. Chính nhờ những lợi ích rõ rệt như vậy, do đó, nhiều khuyến cáo hiện nay đang đề nghị đưa chụp cắt lớp vi tính ngực liều xạ thấp, tiến hành hàng năm là phương pháp tốt để sàng lọc, phát hiện ung thư phổi sớm.
Việc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp cho phép phát hiện các tổn thương rất nhỏ (một vài milimet) mà X Quang ngực không phát hiện được, trong khi đó liều tia X cho một lần chụp chỉ tương đương với một lần chụp X Quang ngực thường quy. Đây thực sự là một biện pháp an toàn, hiệu quả cho việc tầm soát ung thư phổi hiện nay.

3. Đối tượng nào nên được tầm soát ung thư phổi?
Hầu hết những bệnh nhân có triệu chứng đi khám thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Vì vậy việc phát hiện sớm ung thư phổi khi chưa có triệu chứng rất quan trọng. Đầu năm 2021, trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US. CDC) đưa ra khuyến cáo người có những yếu tố sau đây cần được sàng lọc ung thư phổi định kỳ:

  • Tiền sử hút thuốc hơn 20 bao/năm (số bao/năm được quy đổi bằng số bao hút trung bình một ngày nhân với số năm hút thuốc. Ví dụ: 1 ngày hút 1 bao, trong 20 năm được quy đổi là 20 bao/năm; một ngày hút 2 bao, trong 10 năm cũng được quy đổi là 20 bao/năm);
  • Hiện đang hút thuốc hoặc đã bỏ trong vòng 15 năm;
  • Từ 50 đến 80 tuổi;
  • Gia đình có người bị ung thư, khởi phát trước tuổi 60;
  • Làm nghề nghiệp liên quan đến bụi phổi, khói (khói nấu ăn, khói thuốc, nhang), phóng xạ;
  • Ung thư khác hoặc mắc các bệnh phổi mãn tính (COPD, lao phổi,…)
  • Bệnh nhân có nhu cầu tầm soát.

Việc sàng lọc được thực hiện hàng năm bằng chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (Low-dose CT scan). Ngừng sàng lọc khi người có nguy cơ đã hơn 80 tuổi, đã ngừng hút thuốc trên 15 năm hoặc có các vấn đề sức khỏe làm hạn chế tuổi thọ hoặc khả năng phẫu thuật cắt phổi.
Hiện nay, Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng đã trang bị máy chụp cắt lớp vi tính liều thấp, nội soi phế quản hiện đại, đội ngũ bác sỹ chuyên khoa đầy kinh nghiệm có thể hỗ trợ quý khách hàng có nhu cầu.

Ths. Bs Đoàn Thị Thu Trang
Khoa Nội Bệnh viện Gia Đình