Tay chân miệng – Những điều cần biết

1. Độ tuổi hay bị bệnh Tay chân miệng?

Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt tăng cao vào tháng 2- 4 và tháng 9-10. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.

2. Người lớn có bị bệnh Tay chân miệng không?

Người lớn hiếm khi bị bệnh khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên người lớn có thể đóng vai trò trung gian truyền bệnh khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh sau đó tiếp xúc với trẻ bình thường mà không làm vệ sinh đầy đủ.

3. Triệu chứng của bệnh Tay chân miệng?

  • Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao, ít hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt là một dấu hiệu nặng cần được để ý.
  • Mụn nước trên da: Mụn nước có thể xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng thường có ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
  • Quấy khóc: Có thể do đau miệng, không ăn được hoặc do virus gây khó chịu trong cơ thể bé.
  • Bỏ ăn: Đau miệng hoặc do virus gây biếng ăn.
  • Thời gian bị bệnh: 3-7 ngày, có thể dài hơn nếu bệnh nặng hoặc có biến chứng. (Mụn nước trên da có thể tồn tại lâu hơn 7 ngày)

4. Chẩn đoán Tay chân miệng như thế nào?

Tay chân miệng được chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng, bao gồm sốt, phát ban ở các vị trí đặc biệt như họng, lòng bàn tay, bàn chân, mông…

5. Dấu hiệu nặng của Tay chân miệng là gì?

  • Sốt cao liên tục hoặc sốt không đáp ứng với hạ sốt.
  • Giật mình, co giật
  • Bỏ ăn hoặc biếng ăn, nôn nhiều
  • Bứt rứt, quấy khóc vô cớ.
  • Thở mệt hoặc khó thở
  • Run chi, đi loạng quạng hoặc không vững.

Khi có những dấu hiệu này, cần cho trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

6. Nếu xét nghiệm EV71 âm tính thì bé có phải bị Tay chân miệng không?

Ở Việt Nam, Tay chân miệng do nhiều loại virus gây ra (có khoảng 100 loại virus gây ra tay chân miệng). Trong đó, virus Enterovirus type 71 (EV71) thường thấy trong tay chân miệng thể nặng ở trẻ em Việt Nam. Việc bác sỹ cho chỉ định xét nghiệm EV71 cho trẻ có các dấu hiệu lâm sàng của tay chân miệng là để xác định trẻ có bị nhiễm EV71 không, không phải để chẩn đoán tay chân miệng.

Nếu EV71 âm tính, thì vẫn là tay chân miệng mà không phải do type EV71 gây ra.

7. Bé nhà em chỉ ở nhà, không ra ngoài thì sao lại mắc bệnh Tay chân miệng?

Người lớn hiếm khi bị Tay chân miệng khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, người lớn có thể đóng vai trò trung gian truyền bệnh khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Sau đó, không làm vệ sinh đầy đủ và tiếp xúc với trẻ bình thường.

Như vậy, các thành viên gia đình khi ra ngoài có thể tiếp xúc với virus mà không hay biết và truyền lại cho trẻ ở nhà.

8. Tay chân miệng có thuốc điều trị đặc hiệu không?

  • Không có thuốc điều trị đặc hiệu.
  • Việc điều trị chủ yếu là theo dõi sát, kịp thời phát hiện dấu hiệu nặng để điều trị.
  • Tỷ lệ trẻ Tay chân miệng có dấu hiệu nặng rất thấp nhưng không báo trước và xảy ra ngẫu nhiên nên cần theo dõi sát tất cả trẻ bị Tay chân miệng.
  • Thời gian theo dõi là 7 ngày kể từ khi có những triệu chứng đầu tiên.

9. Tay chân miệng có vacicn chưa? Phòng bệnh như thế nào?

Tây chân miệng chưa có vaccine phòng bệnh.

Để phòng bệnh, cần thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế:

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chin uống sôi, sạch sẽ.
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Sử dụng dụng cụ vệ sinh cho trẻ hợp lý, phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.