Thời gian “vàng” để cấp cứu cho người đột quỵ

Theo thống kê trên thế giới, đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 2 trên thế giới nhưng đứng đầu về tỷ lệ tàn tật. Mỗi năm có khoảng 16 triệu ca đột quỵ và 6 triệu trường hợp tử vong trên toàn cầu. Đột quỵ xảy ra trong tích tắc và việc cấp cứu kịp thời trước khi đưa đến bệnh viện giúp bệnh nhân có khả năng hồi phục đến 70-80%. Tuy nhiên kiến thức “thời gian vàng” đột quỵ nhìn chung vẫn chưa được biết đến rộng rãi.

Vậy “thời gian vàng đột quỵ” là như thế nào?
Cứ mỗi phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi, mỗi giờ trôi qua, bộ não sẽ bị lão hóa một khoảng thời gian tương đương với ba năm rưỡi. Vì thế, khi gặp người bị đột quỵ cần được điều trị càng sớm càng tốt.
Trường hợp bệnh nhân sống sót sau đột quỵ thì khả năng tàn phế cao, cụ thể có thể chiếm tới 10-13% bệnh nhân tàn phế nằm liệt giường, 12% hồi phục một phần và 25% bệnh nhân có thể độc lập đi lại. Tuy nhiên bệnh nhân có khả năng hồi phục 70-80% nếu được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng 3 – 4,5h quý giá được tính từ lúc phát hiện.

Nhận biết dấu hiệu đột quỵ qua “F.A.S.T”

F.A.S.T quy tắc nhận biết sớm đột quỵ

F – Face (mặt): Có xệ mặt một bên trong khi cố gắng mỉm cười không?
A – Arms (tay): Một cánh tay có thấp hơn trong khi cố gắng giơ cả hai tay lên không?
S – Speech (lời nói): Có thể nói và nhắc lại một câu đơn giản được không? Có nói lắp hoặc nói kỳ lạ (khó hiểu) hay không?
T – Time (thời gian): Thời gian đột quỵ được tính tới từng giây từng phút. Nếu phát hiện được bất cứ dấu hiệu nào thì gọi số 115 hoặc số dịch vụ y tế cấp cứu tại địa phương bạn ngay lập tức.

Một số triệu chứng đột quỵ khác có thể bao gồm:
– Thị lực giảm đột ngột, nhìn mờ hoặc mất thị lực hoàn toàn ở một bên mắt hoặc cả hai mắt;
– Bị lú lẫn đột ngột, ví dụ đang nói chuyện đột nhiên thấy khó khăn khi nói hoặc hiểu ngôn ngữ;
– Chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội một cách đột ngột không có nguyên nhân rõ ràng;
– Cảm thấy mệt mỏi khắp cơ thể, buồn nôn;
– Yếu hoặc tê một nửa người, bao gồm cả hai chân, khó đi lại;
– Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm: có huyết áp cao, có tiền sử bị đột quỵ, hút thuốc lá, có bệnh đái tháo đường và tim mạch. Nguy cơ đột quỵ cũng tăng theo độ tuổi.

Bạn có thể sơ cứu bệnh nhân đột quỵ như thế nào?

Tư thế hồi sức cấp cứu

– Gọi ngay cấp cứu hoặc người người trợ giúp đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất;
– Trong thời gian chờ hỗ trợ, thực hiện sơ cứu như sau:
+ Để bệnh nhân nằm nghiêng ở một vị trí thuận lợi (tư thế nằm nghiêng an toàn như hình minh hoạ);
+ Nếu người bệnh bị co giật, phải trấn an bệnh nhân và di chuyển những vật dụng xung quanh ra xa bệnh nhân cũng như đảm bảo môi trường xung thông thoáng;
+ Mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp của người bệnh, có bị ngừng thở hay không, nếu có cần đặt bệnh nhân nằm ngửa, tiến hành hồi sức tim phổi;
+ Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát biểu hiện đột quỵ bất thường;
+ Ghi chú lại những loại thuốc mà người bệnh đang dùng hoặc mang theo đơn thuốc đang có.

– Tuyệt đối KHÔNG:
+ Không được bất cứ thuốc gì, kể cả nước uống vì nguy cơ cao bị sặc, gây nghẹt đường thở;
+ Không thực hiện trói tay, chân hoặc sử dụng ngáng miệng bệnh nhân khi bệnh nhân bị co giật.
+ Không tự ý cho người bệnh đột quỵ sử dụng thuốc hạ huyết áp tại nhà;
+ Không cạo gió;
+ Không được dùng các biện pháp dân gian như: chích máu, ấn nhân trung, xoa dầu, bóp cao…
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não không phải một câu chuyện mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nhiều người dù thoát chết, nhưng những di chứng sau đó lại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống, tuổi thọ. Khoảng thời gian 3 giờ đầu tiên được gọi là “giờ vàng”, chính vì vậy, nếu “loay hoay” ở nhà chỉ làm chậm thời gian vàng.

Hãy trang bị kiến thức cho bản thân và phổ biến cho mọi người xung quanh cùng biết để chủ động ngăn chặn, phát hiện kịp thời, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc. Cùng với đó khi phát hiện có bệnh nhân đột quỵ hãy lập tức sơ cứu theo hướng dẫn và liên hệ cơ sở y tế để bệnh nhân được cấp cứu kịp thời.