Viêm ruột thừa

1. Tổng quan

– Viêm ruột thừa là một cấp cứu ngoại khoa và thường là nguyên nhân gây đau bụng cấp ở cả trẻ em và người trưởng thành dưới 50 tuổi. Bệnh thường xuất hiện ở ở độ tuổi từ 20 đến 30 tuổi.

– Tuy ngày càng có nhiều xét nghiệm mới để chẩn đoán viêm ruột thừa nhưng tỷ lệ không chẩn đoán được vẫn ở mức 15-15,3%. Tỉ lệ này cao hơn ở nữ giới.

– Ở phụ nữ có thai, nguy cơ sẩy thai sau mổ ruột thừa là 4%.

2. Nguyên nhân

Tắc nghẽn ở lòng ruột thừa (60%) do:

– Sỏi phân mà nhân của các hòn sỏi này là các sợi xơ của đồ ăn, là giun đũa, giun kim, sán dây, là carcinoma, carcinoid.

– Các hạch bạch huyết tăng sản to lên (nguyên phát hay thứ phát từ một nguồn nhiễm, đặc biệt ở trẻ em).

– Tắc nghẽn còn do chèn ép từ ngoài, xoắn vặn, bị gập.

3. Chẩn đoán

3.1. Chẩn đoán xác định

3.1.1. lâm sàng

a. Dấu hiệu toàn thân 

–  Thông thường bệnh nhân không sốt

–  Khi Sốt 38-39°C, mạch nhanh, cần cảnh giác ruột thừa viêm cấp gây biến chứng áp xe hoặc vỡ mủ

b. Dấu hiệu cơ năng 

– Đau hố chậu phải, đau tăng dần, buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, táo bón

c. Dấu hiệu thực thể 

– Đau ở điểm Mac Burney. cần chú ý: có một số trường hợp đau ở quanh rốn, rồi mới khu trú ở hố chậu phải.

– Phản ứng hoặc co cứng khu trú ở hố chậu phải

– Tăng cảm của da bụng ở hố chậu phải (thỉnh thoảng mới gặp và do đến muộn).

– Co cứng  toàn bộ thành bụng do viêm phúc mạc toàn thể vì ruột thừa vỡ

3.1.2. Cận lâm sàng

– Xét nghiệm máu: Công thức máu có bạch cầu tăng, bạch cầu đa nhân trung tính chiếm ưu thế

– Siêu âm: hình ảnh viêm ruột thừa trên siêu âm là ruột thừa ấn không xẹp với đường kính > 6 mm. Ngoài ra là hình ảnh tăng âm, thâm nhiễm mỡ xung quanh (dấu của phản ứng viêm) và ổ áp xe.

– CT scan: hình ảnh viêm ruột thừa là (1) tăng đường kính ngang của ruột thừa > 6 mm, (2) thành ruột thừa dày > 2mm, (3) sỏi phân (30%), (4) dấu phản ứng viêm xung quanh (thâm nhiễm mỡ, co kéo mạc treo, dịch quanh ruột thừa).

CT được chỉ định khi lâm sàng và siêu âm gặp khó khăn trong chẩn đoán.

+ MRI: thường được sử dụng cho các trường hợp VRT khó chẩn đoán ở thai phụ hay người chống chỉ định chụp CT bụng (độ nhạy là 100% và độ đặc hiệu là 98%).

3.2. Chẩn đoán phân biệt

– Viêm ruột do Yersinia, Campylobacter, Salmonella.

– Viêm mạc nối lớn.

– Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm đài bể thận.

– Thoát vị, tắc một, túi thừa manh tràng, xoắn manh tràng.

– Xoắn tinh hoàn ở nam.

– Riêng ở nữ: viêm phúc mạc chậu, nang buồng trứng vỡ, apxe tai vòi, xoắn buồng trứng và thai ngoài tử cung vỡ.

4. Điều trị

4.1. Điều trị hỗ trợ

– Bù dịch đường tĩnh mạch (Lactat Ringer hay NaCl 0,9%) kết hợp điều trị triệu chứng (chống nôn, giảm đau…).

– Kháng sinh:

+ Kháng sinh dự phòng thường được sử dụng trong viêm ruột thừa chưa vỡ để ngừa nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng ổ bụng sau mổ.

+ Chọn kháng sinh có phổ kháng khuẩn trên vi khuẩn Gram âm và kỵ khí.

4.2. Phẫu thuật

– Cắt ruột thừa mổ mở: hạn chế cho các trường hợp chống chỉ định mổ nội soi (choáng nhiễm trùng, suy hô hấp nặng…) hay bị viêm phúc mạc toàn thể nặng (bụng trướng nhiều, giả mạc lan tỏa, khó bộc lộ ruột thừa).

– Cắt ruột thừa nội soi: ưu tiên chọn lựa cho hầu hết các trường hợp còn lại. Cắt ruột thừa nội soi là phương pháp an toàn và hiệu quả và có thể thay thế phẫu thuật tiêu chuẩn cắt ruột thừa hở

Tại Bệnh viện Đa khoa GIA ĐÌNH, chúng tôi đang áp dụng phẫu thuật cắt ruột thừa nội soi với nhiều ưu điểm :

– Chỉ định cho hầu hết các trường hợp viêm ruột thừa cấp bao gồm cả viêm phúc mạc do ruột thừa vỡ mủ

– Có tính thẩm mỹ cao với vết mổ nhỏ

– Giảm đau sau mổ, vận động được ngay trong thời gian hậu phẫu

– Tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ thấp, vết thương liền sớm và có thể cắt chỉ sau 7 ngày từ ngày ra viện

– Thời gian nằm viện ngắn, trung bình khoảng 3 ngày nhanh chóng trở lại sinh hoạt và lao động