Xử trí – Phòng ngừa hạ Glucose máu tại nhà

Hạ đường (Glucose) máu là một biến chứng cấp tính rất nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường, có thể dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Ở bệnh nhân lớn tuổi có bệnh lý mạn tính như tim mạch, huyết áp thì càng làm cho bệnh cảnh nặng nề và phức tạp hơn. Và hạ đường máu là một thực tế trong cuộc sống mà hầu hết bệnh nhân đái tháo đường thường gặp phải.

Hạ đường máu là gì?

Hạ đường máu là tình trạng xảy ra khi nồng độ Glucose trong máu quá thấp dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động của tế bào, gây nên các rối loạn cho cơ thể.

Tình trạng hạ đường cần được xử trí nhanh, kịp thời để hạn chế những biến chứng nặng nề do hạ đường máu gây nên.

Các lý do gây hạ đường máu?

  • Bỏ bữa, ăn trễ giờ
  • Hoạt động quá sức
  • Sau khi uống rượu mà ăn ít hoặc ăn thiếu Glucid.
  • Ói mửa, tiêu chảy
  • Uống kèm thuốc hạ đường máu
  • Tự ý uống thêm thuốc hoặc tiêm insulin.

Phân loại hạ đường máu?

  Mức độ   Tình trạng   Glucose máu
Mức độ 1: Mức cảnh báo hạ glucose máu   Mức Glucose là 70mg/dl (3.9 mmol/L) hoặc thấp hơn
Mức độ 2: Mức glucose máu < 54mg/dl (, 3.0 mmol/L) rất thấp, chỉ tình trạng hạ glucose máu nghiêm trọng Có triệu chứng hạ glucose máu Nồng độ glucose huyết tương , 54mg/dl (3.0 mmol/L)
Mức độ 3: Hạ glucose máu trầm trọng, có sự suy giảm nhận thức trầm trọng, cần sự trợ giúp bên ngoài để hồi phục Cần sự trợ giúp của người khác, để bổ sung carbohydrat, glucagon hoặc hỗ trợ khác để hồi phục Không có ngưỡng glucose huyết đặc biệt

Triệu chứng của hạ đường máu ?

Hạ đường máu thường xuất hiện khi gluocose máu 3,9 mmol/l (<70mg/dl). Nhưng sẽ thay đổi tùy theo nguyên nhân bệnh, tuổi, giới tính, cơ địa của người bệnh.

Bệnh nhân lớn tuổi có xơ vữa động mạch nếu bị hạ đường máu triệu chứng thường nặng và dễ bị tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim hơn.

Hạ đường máu kéo dài và nặng gây ra triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương, triệu chứng này xảy ra muộn hơn của triệu chứng thần kinh giao cảm và thường nặng hơn, gây thay đổi tri giác diễn biến từ ngủ gà, lú lẫn rồi hôn mê.

Triệu chứng rối loạn thần kinh tự chủ:

  • Cảm thấy đói
  • Đổ mồ hôi
  • Dị cảm
  • Lo lắng, bứt rứt
  • Run tay chân
  • Tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp
  • Yếu cơ
  • Buồn nôn, ói mửa ( Có thể gặp)

Triệu chứng rối loạn hệ thần kinh trung ương:

  • Nhức đầu
  • Nhìn đôi
  • Mờ mắt
  • Lú lẫn
  • Cư xử bất thường
  • Mất trí nhớ
  • Mất tri giác
  • Hôn mê.

Điều trị – Xử trí cơn hạ đường máu tại nhà như thế nào ?

Hạ đường máu là tình trạng cấp cứu, xử trí tùy thuộc vào tình trạng tri giác, nồng độ glucose máu và dự đoán về diễn tiến lâm sàng.

Điều trị hạ đường máu được thực hiện bằng cách ăn các sản phẩm  có đường hoặc bánh ngọt nếu người bệnh còn tỉnh táo và có thể ăn được hoặc bằng tiêm Glucagon hoặc truyền Glucose trong trường hợp không ăn được.

 Đối với trường hợp hạ đường máu nhẹ và trung bình:

  • Có nguy cơ hạ đường máu với giá trị glucose cảnh báo 70mg/dL (3.9 mmol/L). Phát hiện hạ glucose máu nhưng bệnh nhân chỉ có triệu chứng giao cảm nhẹ, người bệnh còn tỉnh táo thì có thể hòa 15 – 20g đường (khoảng 2-3 muỗng) hòa với nước.  hoặc uống ½ lon nước ngọt, hoặc 2 muỗng mật ong, nước uống có đường, trái cây ngọt, bánh trái.
  • 15 Phút sau: Kiểm tra đường máu mao mạch mà chỉ số đường máu không cải thiện thì nên lặp lại 1 lần tương tự. Nếu đường  máu trở lại bình thường, thì người bệnh nên ăn một bữa ăn hoặc ăn nhẹ để phòng ngừa hạ đường máu tái phát.

 Đối với trường hợp hạ đường máu nặng:

  • Người bệnh không uống được tri giác rối loạn  lu lẫn, lơ mơ, hôn mê. Không cho ăn uống và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí bằng cách  tiêm tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương 20%  hoặc 30% hoặc truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5% hoặc 10%. Nếu có thể tiêm dưới da 1 mg Glucagon.

Cách phòng ngừa cơn hạ đường máu máu ?

Phòng ngừa hạ glucose máu tại nhà là một thành phần vô cùng quan trọng trong việc  quản lý bệnh nhân đái tháo đường. Nên tuân thủ các quy tắc như sau:

  • Không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu.
  • Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống điều trị bệnh tiểu đường. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như kiêng khem quá mức, bỏ ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác…
  • Thường xuyên kiểm tra đường máu tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
  • Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị để đảm bảo sức khoẻ.
  • Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt … trong túi để lúc xảy ra hạ đường là có thể dùng ngay.