Phẫu thuật cho bệnh nhân áp xe ổ phúc mạc do xương cá đâm thủng mạc treo đại tràng

Vừa qua, ekip Bác sỹ Ngoại Tiêu hoá bệnh viện Đa Khoa Gia Đình đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân áp xe ổ phúc mạc do không phát hiện xương cá mắc ở ổ bụng 1 tháng, khiến mạc treo đại tràng bị đâm thủng.

Đau bụng quanh rốn và bụng dưới liên tục khoảng 1 tháng, bệnh nhân đã khám và điều trị bằng thuốc tại nhiều cơ sở y tế trước đó nhưng không đỡ. Nhập viện khám chuyên khoa Ngoại Tiêu hoá bệnh viện Đa Khoa Gia Đình vào này 05/11/2021, sau khi thăm khám cẩn thận, chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Bệnh nhân được chẩn đoán: áp xe ổ phúc mạc do dị vật nghi ngờ xương cá. Tình trạng của bệnh nhân được hội chẩn bởi Phó Giám đốc chuyên môn, bác sĩ ngoại tiêu hóa, để hạn chế ít nhất biến chứng xảy ra, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật ngay sau đó.

 

Ekip đang tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân

ThS. BS. Nguyễn Hoàng, Phó Khoa Ngoại bệnh viện Gia Đình cho biết: “Trong cuộc phẫu thuật kéo dài 120 phút, chúng tôi ghi nhận ổ áp xe lớn kích thước đến 10x10cm, chứa nhiều mủ với trung tâm là xương cá, dính chặt vào thành bụng, tạo thành đám quánh cứng chứa mạc treo đại tràng, mạc nối lớn, đoạn cuối hồi tràng của bệnh nhân có hiện tượng phù nề.” Ekip đã tiến hành phẫu tích, bóc tách khối áp xe ra khỏi thành bụng, súc rửa sạch ổ viêm và khâu lỗ thủng. Bước sang hậu phẫu ngày thứ 3, bệnh nhân đã ăn uống được và triệu chứng đau bụng đã giảm nhiều, chỉ còn đau nhẹ vết mổ, bụng mềm.

Ghi nhận ổ áp xe lớn chứa đầy mủ với trung tâm là dị vật xương cá

Trường hợp của bệnh nhân T.T.S vì không hề biết mình nuốt phải dị vật xương cá, chịu đựng việc đau bụng và uống thuốc trong thời gian dài mà không điều trị dứt điểm gây ra hậu quả viêm nhiễm, áp xe nghiêm trọng. Để nhận biết sớm tình trạng bệnh, Bác sỹ Nguyễn Hoàng cung cấp thông tin về triệu chứng thường gặp khi vô tình nuốt phải dị vật:
– Đối với dị vật ở thực quản: Có cảm giác nuốt vướng, nuốt đau; một số trường hợp thấy tức ngực khó thở, đau kèm theo nóng rát vùng sau xương ức. Giai đoạn muộn, dị vật gây xước rách, nhiễm trùng tại vị trí mắc phải, người bệnh có sốt, đau nhiều vùng họng, ứ đọng đờm giải và thức ăn.
– Dị vật ở dạ dày như khối thức ăn gây tắc môn vị và hành tá tràng: Chỉ có cảm giác buồn nôn, và thường nôn ra dịch thức ăn chưa tiêu lẫn thức ăn cũ, bệnh nhân vẫn ăn uống được.
– Dị vật ở ruột non, ruột thừa hay đại trực tràng: Triệu chứng thường mơ hồ trong một vài ngày đầu, có thể có đau bụng lâm râm dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Giai đoạn muộn hình thành khối áp xe, bệnh nhân có sốt hoặc có biểu hiện viêm phúc mạc.
Khi nghi ngờ bệnh nhân có dị vật đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ chụp X-quang, thông qua đó có thể thấy hình ảnh dị vật (đối với những dị vật cản quang). Siêu âm có thể thấy khối áp xe hoặc chụp CT Scan có thể thấy được hình ảnh dị vật. Xét nghiệm máu thấy có hội chứng nhiễm trùng, bạch cầu máu tăng.

Lời khuyên của Bác sỹ để phòng tránh dị vật đường tiêu hoá: trong khi ăn cần ăn chậm, nhai kỹ, tránh thức ăn dai, gân, da, thức ăn có lẫn xương. Khi nghi ngờ đã nuốt dị vật hoặc cảm thấy các triệu chứng khó chịu đã được mô tả ở trên, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở Y tế có chuyên khoa Tiêu hóa để được điều trị can thiệp ngay. Tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa trị theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật đi xuống vì điều này có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.