“Những nhân vật cần ca ngợi là những bác sĩ đang ngày ngày khám sàng lọc, hoặc những người đang chữa trị cho các ca dương tính với SARS-CoV-2 ở những bệnh viện tuyến trên kìa. Chúng mình chỉ góp chút ít khả năng để đảm bảo không bỏ sót nguy cơ tiềm ẩn, tránh lây nhiễm lan rộng ra cộng đồng và giảm tải áp lực cho những bác sĩ ấy thôi! Có gì đâu để nói…” – Đây là chia sẻ của bạn T.N – một bác sĩ y học dự phòng vừa tốt nghiệp và lựa chọn FAMILY làm bến đỗ sự nghiệp cách đây chưa đầy 6 tháng.
“Trong 6 năm học đại học với chuyên ngành Y học dự phòng, mình đã sớm mường tượng công việc của mình là “lo trước những nỗi lo của người khác”, đánh giá nguy cơ để cảnh báo sớm những dấu hiệu sức khoẻ bất thường cho cá nhân và cộng đồng, …
Nhưng, 6 năm trên giảng đường chắc chắn sẽ không thấm bằng 6 tuần làm công tác tiền phương tại FAMILY. Từ ngày Đà Nẵng có dịch, mình và đồng nghiệp – đa phần là những người trẻ, chưa lập gia đình, chưa vướng nỗi lo cho vợ cho con đã tham gia vào công tác khai thác dịch tễ và phân luồng bệnh nhân tới khám.
Những tuần đầu, khi Đà Nẵng chưa có ca dương tính với Covid-19, người dân còn “nhởn nhơ” lắm! Không phải ai cũng đủ kiến thức và ý thức để tuân thủ những hướng dẫn của bệnh viện. Nhưng, không phải cứ “ậm ừ” mà qua chuyện. Bệnh viện có những nguyên tắc riêng cần được chấp hành, phải giải thích ý nghĩa của chúng tường tận để người dân hiểu và tuân theo.
Mấy tuần sau khi số ca nhiễm tăng lên, không chỉ tại ổ dịch Vũ Hán mà lan ra toàn cầu. Lúc đấy người ta mới ngớ người ra vì “virus ở gần mình quá!”. Những bệnh nhân và thân nhân đến viện cũng phần nào ý thức hơn. Có những bệnh nhân 40-50 tuổi, do mắc Đái tháo đường type 1, phải lặn lội từ quê ra khám và lấy thuốc định kỳ. Họ nhất quyết đi xe máy chứ không đi xe khách, còn biết cách rửa tay đúng cách và đeo khẩu trang liên tục theo hướng dẫn nữa – nghĩ cũng thấy vui vui.
Mỗi ngày, nhóm mình có thể đón tiếp và hướng dẫn cho khoảng 500 người hoặc hơn, bao gồm cả thân nhân và đối tác, giữa cái tiết trời Đà Nẵng sắp sửa sang hè. Bộ đồ bảo hộ kín mít khiến ai nấy không tránh khỏi mệt mỏi. Ấy vậy mà, chỉ đôi ba lời hỏi thăm của các cô chú đến khám “Mệt lắm không con? Làm ri suốt ngày chắc cực lắm hì?” cũng đủ tiếp cho nhóm mình muôn phần sức lực.
Từ ngày có dịch, chỉ đi lại giữa bệnh viện và nhà, với đầy rẫy những xáo trộn nhưng thỉnh thoảng lóe lên trong mình là cảm giác có tí tự hào vì đã góp công sức “bé xíu” để đảm bảo an toàn cho những người bệnh đến khám tại FAMILY, cho cộng sự, cho đồng nghiệp, và cho những người xung quanh.
6 NĂM ĐẠI HỌC – 6 THÁNG TẠI FAMILY – 6 TUẦN CANH CỬA NGÕ chắc chắn sẽ là những giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời các bác sĩ y học dự phòng tại FAMILY!