Làm thế nào khi phát hiện bất thường nhiễm sắc thể trong quá trình điều trị hiếm muộn?
Mô hình nhiễm sắc thể
1. Bất thường nhiễm sắc thể
Bất thường nhiễm sắc thể được định nghĩa là sự biến đổi hình thái hoặc số lượng một hay nhiều nhiễm sắc thể, xảy ra ở nhiễm sắc thể thường, nhiễm sắc thể giới tính hoặc cả hai.
Bất thường nhiễm sắc thể có thể dẫn đến những nguy cơ khác nhau như sảy thai, thai lưu, trẻ tử vong sau khi sinh, dị tật bẩm sinh, rối loạn phát triển thể chất, tâm thần ở trẻ sinh ra.
Chỉ định xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ thường được thực hiện khi cặp vợ chồng có tiền sử sảy thai liên tiếp (sảy thai từ hai lần trở lên), hoặc có tiền sử sinh bé bị dị tật nghi ngờ do bất thường nhiễm sắc thể. Những bất thường nhiễm sắc thể phổ biến nhất là chuyển đoạn cân bằng, đột biến số lượng nhiễm sắc thể và đảo đoạn nhiễm sắc thể.
2. Bất thường nhiễm sắc thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng sinh sản?
Bất thường nhiễm sắc thể làm tăng nguy cơ sảy thai khi mang thai, sảy thai liên tiếp (sảy thai từ hai lần trở lên), ảnh hưởng từ 2% đến 5% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản.
Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân chính dẫn đến sảy thai sớm ở quý đầu thai kỳ (50% đến 60%). Tần suất sảy thai liên tiếp ở những trường hợp mang chuyển đoạn cân bằng cho nhận là 83,8%, với số lần sảy thai trung bình 2,8 lần, cao hơn rất nhiều so với nhóm không có bất thường nhiễm sắc thể.
Thêm vào đó, việc các bất thường về đột biến chuyển đoạn cân bằng cấu trúc nhiễm sắc thể xuất hiện với tần suất 4,8% ở nhóm 2 lần sảy thai và 5,7% ở nhóm 3 lần sảy thai liên tiếp. Vì vậy, đối với những trường hợp sảy thai, sảy thai liên tiếp có bất thường di truyền nhiễm sắc thể nên được tư vấn các biện pháp điều trị hỗ trợ sinh sản để giảm nguy cơ sảy thai ở lần mang thai tiếp theo.
Bất thường số lượng nhiễm sắc thể như hội chứng Klinefelter do thừa một nhiễm sắc thể X ở người nam, hội chứng Turner do thiếu một nhiễm sắc thể X ở người nữ đều dẫn đến giảm khả năng sinh sản. Klinefelter gây giảm sản xuất tinh trùng, giảm hormone sinh dục nam, không có tinh trùng ở người nam. Trong khi đó Turner gây ra các biểu hiện như kinh nguyệt không đều, không có kinh, giảm dự trữ buồng trứng ở người nữ.
3. Giảm ảnh hưởng của bất thường nhiễm sắc thể bằng kỹ thuật IVF kết hợp xét nghiệm tiền làm tổ
Quy trình các bước thực hiện PGT
Xét nghiệm tiền làm tổ (PGT) là kỹ thuật giúp phát hiện bất thường di truyền trong các phôi được tạo ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Kết quả thu được từ PGT sẽ giúp bác sỹ và bệnh nhân lựa chọn được phôi tối ưu để thực hiện chuyển phôi (Tìm hiểu thêm về xét nghiệm tiền làm tổ Tại đây).
IVF kết hợp xét nghiệm PGT nên được thực hiện ở những trường hợp có bố, mẹ hoặc cả hai mang có bất thường nhiễm sắc thể. Trong một nghiên cứu của Huang và cộng sự, với 194 cặp vợ chồng bị đột biến chuyển đoạn cân bằng cho nhận, có tiền sử sảy thai liên tiếp được thực hiện PGT SR. Sau PGT SR, kết quả trẻ sinh sống là 88,6%, so với trước PGT SR là 8,8%, cùng với đó tỉ lệ thai lưu, trẻ dị tật cũng được giảm. Điều này cho thấy, PGT SR có khả năng tăng tỷ lệ trẻ sinh sống, giảm tỷ lệ sảy thai và tỉ lệ thai dị tật đối với những trường hợp có tiền sử sảy thai do đột biến chuyển đoạn cân bằng.
Xét nghiệm tiền làm tổ giúp có thêm thông tin về di truyền của phôi hỗ trợ trong lựa chọn phôi chuyển
Bên cạnh các trường hợp bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể, đa hình nhiễm sắc thể ở người bố cũng làm tăng khả năng sảy thai so với cặp vợ chồng không có đa hình nhiễm sắc thể hoặc mẹ có đa hình nhiễm sắc thể. Vì vậy những trường hợp cặp vợ chồng có tiền sử sảy thai, có người bố mang đa hình nhiễm sắc thể thì có thể cân nhắc thực hiện IVF kết hợp PGT để hạn chế nguy cơ sẩy thai ở lần mang thai kế tiếp.
Kết luận
Bất thường nhiễm sắc thể là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng có thai, làm tăng tỉ lệ sảy thai, sảy thai liên tiếp, thai dị tật. Những trường hợp có bất thường nhiễm sắc thể nên được thăm khám và tư vấn về các ảnh hưởng của bất thường nhiễm sắc thể lên khả năng sinh sản và trẻ được sinh ra. Thực hiện hỗ trợ sinh sản kết hợp xét nghiệm tiền làm tổ có thể được áp dụng để hạn chế nguy cơ sảy thai, thai ngừng phát triển, thai bị dị tật ở những cặp vợ chồng có mang bất thường nhiễm sắc thể.
BS. Võ Văn Cường
BS. Huỳnh Hoàng Mi
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tài liệu tham khảo
1. Flowers N.J, Burgess T, Giouzeppos O, Shi G, Love C.J, Hunt C.E, Pertile M.D. Genome-wide noninvasive prenatal screening for carriers of balanced reciprocal translocations. Genet Med. 2020
2. Peter D.T, Sian Ellard. Chromosomes and Cell Division. In: Emery’s Elements of Medical Genetics. 15th ed. Elsevier; 2017. p. 39–40.
3. Ghada M.E, Soha Kholeif, Nahla Nazmy. Chromosomal Aberrations in 224 Couples with Recurrent Pregnancy Loss. J Hum Reprod Sci. 2020;13(4):340–8.
4. Huang C, Jiang W, Zhu Y, Li H, Lu J, Yan J, Chen Z.J. Pregnancy outcomes of reciprocal translocation carriers with two or more unfavorable pregnancy histories: before and after preimplantation genetic testing. J Assist Reprod Genet. 2019;
5. Ni T, Li J, Chen H, Gao Y, Gao X, Yan J, Chen Z.J. Male chromosomal polymorphisms reduce cumulative live birth rate for IVF couples. J Assist Reprod Genet. 2017;34(8):1017–25.