Các bài tập được sử dụng trong phục hồi chức năng thai sản và lợi ích của nó?

Các bài tập áp dụng trong phục hồi chức năng tiền sản và hậu sản giúp ích cho các mẹ rất nhiều trong giai đoạn sinh nở và sau khi sinh. Để biết các bài tập này là gì và lợi ích đặc biệt mà các bài tập mang lại, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây

1. Phục hồi chức năng tiền sản
1.1. Bài tập sàn chậu (bài tập Kegel)

Năm 1948, Bác sĩ phụ khoa Arnold Kegel Henry đã sáng tạo ra bài tập dành riêng cho vùng đáy chậu.
● Cải thiện kiểm soát bàng quang giúp ngăn ngừa và điều trị tiểu không tự chủ, tiểu lắt nhắt, són tiểu, tiểu khó.
● Tăng cường hỗ trợ cơ quan vùng chậu: Sinh con qua đường âm đạo có nguy cơ tiềm ẩn gây sa cơ quan vùng chậu (tử cung, niệu đạo, ruột sa xuống âm đạo).
● Giúp tăng cường cơ trực tràng để giảm nguy cơ đại tiện không tự chủ.
● Tăng cường cơ sàn chậu khi mang thai, giúp phát triển khả năng thư giãn và kiểm soát cơ này để chuyển dạ và sinh nở.
● Giai đoạn hậu sản: Chữa lành các mô đáy chậu bị kéo căng khi sinh thường.

1.2. Bài tập cột sống
Tập vận động cột sống có vai trò rất quan trọng trong điều trị bệnh lý cột sống hoặc có bộ phận liên quan đến cột sống.
Đối với sản phụ, với những thay đổi về mặt giải phẫu và sinh lý như gia tăng cân nặng, thay đổi trọng tâm cơ thể, hóc môn, tuần hoàn,… đã gây ra tình trạng đau cột sống và nặng nề nhất vào giai đoạn tam cá nguyệt ba của thai kỳ.
Tùy từng bệnh, tùy từng mục đích khác nhau mà có những bài tập phù hợp với mục đích đó.
● Theo Garshasbi và Faghih Zedeh nghiên cứu 200 phụ nữ mang thai lần đầu tiên trong nghiên cứu ngẫu nhiên về ảnh hưởng của tập thể dục và cường độ đau lưng 3h/tuần trong 12 tuần đã giảm đáng kể tình trạng đau lưng.
● Nghiên cứu Cochrance 2007, cho thấy các bài tập cụ thể khi mang thai đã giảm đau thắt lưng và vùng chậu nhiều hơn.

1.3. Bài tập toàn thân
Bao gồm những bài tập tăng tiến dần từ vận động chủ động đến vận động có kháng trở. Mục đích là tăng sức mạnh của cơ, tăng sức bền của cơ, tăng công của cơ, thiết lập lại sự cân đối của cơ thể. Lựa chọn bài tập phù hợp với mục đích mỗi cá nhân.
● Bài tập toàn thân bao gồm 6 dạng bài tập sau:
● Bài tập mạnh
● Bài tập dưỡng sinh
● Xoa bóp toàn thân
● Bài tập kéo giãn
● Bài tập thư giãn
● Thay đổi hành vi trong đau mạn tính

1.4. Bài tập hô hấp
Tập thở là kỹ thuật làm giãn nở lồng ngực nhờ tăng cường các cơ hô hấp và nhằm tạo được kiểu thở đúng, có hiệu quả. Với sản phụ, tập thở giúp đáp ứng nhu cầu cung cấp oxy cho cả mẹ và bé nhất trong lúc chuyển dạ.
Tập thở là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi để điều trị ở bất cứ nơi nào mà sản phụ có yêu cầu.
● Thở cơ hoành
● Thở ngực với tay dang ngang, tay gập vai, dang vai
● Hít thở khi chuyển dạ
– Theo Sridhar Shirodkar, Medha Deo (2022) đã cho thấy việc tập thở cơ hoành đã giảm triệu chứng lo lắng, căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, cảm xúc lo lắng.
– Theo Amola, Mamta, Pawara (2022) đã kết luận rằng việc luyện tập cơ hô hấp trong thai kỳ đã giảm sự khó thở, mệt mỏi và cải thiện chức năng phổi.

2. Phục hồi chức năng hậu sản
2.1. Vai trò
Nakamura và cộng sự (2019) xác nhận thấy rằng hoạt động thể chất sau sinh giúp phụ nữ vượt qua trạng thái tâm trạng tiêu cực và các triệu chứng trầm cảm. Hơn nữa, vận động sớm là một trong những biện pháp chăm sóc bà mẹ sau sinh có ý nghĩa quan trọng đối với việc đẩy nhanh quá trình phục hồi, việc lười vận động sẽ khiến tình trạng chị em trở nên trầm trọng hơn.

2.2. Chương trình tập luyện
● Đối với sinh thường qua đường âm đạo
– Tập mạnh cơ sàn chậu
– Tập toàn thân
● Đối với sinh mổ
– Hướng dẫn các bài tập thở, ho thở cơ hoành
– Nâng đỡ vùng phẫu thuật với gối khi ho, hoặc cho con bú
– Bài tập toàn thân
– Tập sàn chậu
Tuy nhiên chương trình tập luyện PHCN thai sản cần sự thăm khám, theo dõi của Bác sỹ sản và Bác sỹ Phục hồi chức năng để quyết định xem bài tập nào là phù hợp. Sau đó tập dưới sự hướng dẫn của kỹ thuật viên PHCN trong môi trường đảm bảo sự an toàn, yên tâm cho mẹ khi tập luyện.

3. Vậy khi nào không được tập hoặc ngưng tập?
3.1. Chống chỉ định tuyệt đối
● Bệnh tim có ảnh hưởng nhiều đến huyết động
● Hạn chế thông khí phổi
● Cổ tử cung yếu
● Nguy cơ chuyển dạ sớm
● Nhau tiền đạo sau 26 tuần thai
● Chuyển dạ sớm trong thai kì hiện tại
● Tiền sản giật và sản giật
● Vỡ màng ối
● Thiếu máu nặng

3.2. Chống chỉ định tương đối
● Thiếu máu
● Rối loạn nhịp tim mẹ chưa được đánh giá
● Viêm phế quản mạn
● Tiểu đường loại 1 kiểm soát kém
● Béo phì nặng (BMI > 40)
● Thiếu cân nặng (BMI <12)
● Lối sống cực kì hiếm vận động
● Hạn chế tăng trưởng tử cung trong thai kì
● Tăng huyết áp kiểm soát kém
● Giới hạn chỉnh hình
● Rối loạn co giật kiểm soát kém
● Cường giáp kiểm soát kém
● Người hút thuốc nặng

3.3. Ngưng tập khi xuất hiện các dấu hiệu
● Chảy máu âm đạo
● Cơn co thắt đau thường xuyên
● Rò rỉ nước ối
● Chóng mặt trước khi gắng sức
● Nhức đầu
● Chóng mặt
● Các yếu tố ảnh hưởng đến sự cân bằng
● Đau ngực
● Sưng đau bắp chân

ThS. BS. Trần Thị Lý Thanh
Đơn vị Đông y – Phục hồi chức năng
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Tài liệu tham khảo
1. Amola, Mamta, Pawara, Sonia, Kalra, Sheetal (2019), “Effect of Inspiratory Muscle Training and Diaphragmatic Breathing Exercises on Dyspnea, Pulmonary Functions, Fatigue”, Journal of Clinical & Diagnostic Research, Vol.13 Issue 8, p1-4.
2. Gregg, V. H., & Ferguson, J. E. (2017), “Exercise in Pregnancy”, Clinics in Sports Medicine, 36(4), 741–752, doi:10.1016/j.csm.2017.05.005
3. Dong Y, Huang L, Chen Y, et al (2021), “The Effect of Exercise on Increasing Circulation in the Limbs of Pregnant Women”, J Obstet Gynecol Neonatal Nurs;50(2):205-214. doi: 10.1016/j.jogn.2020.11.002.
4. Ferreira KA, Marques AP, Matsutani LA (2013), “Effects of an antenatal postural education program on posture, back pain, and quality of life in pregnant women: A randomized controlled trial.”.Phys Ther; 93(4):470-478. doi: 10.2522/ptj.20120201.
5. Torgbenu, Eric L (2021), “Effect of Kegel Exercises on Pelvic Floor Muscle Disorders in Prenatal and Postnatal Women- A Literature Review”, Current Women’s Health Reviews, Volume 17, Number 3, 2021, pp 202- 207(6).
6. Vanessa H. Gregg (2017), Clin Sports Med 36 (2017) 741–752, http://dx.doi.org/10.1016/j.csm.2017.05.005