Mang thai và sinh con là thiên chức cao cả của người mẹ. Mặc dù vậy, trong thời gian mang thai sẽ làm thay đổi nhiều cấu trúc giải phẫu cũng như sinh lý cơ thể. Điều này ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, sức khỏe, công việc của mẹ và cũng như sức khỏe thai nhi nếu không có kế hoạch dự phòng tốt trước, trong và sau khi sinh. Vậy các triệu chứng thường gặp khi mang thai và sự ảnh hưởng của nó trong đời sống hàng ngày là gì?
1. Các triệu chứng thường gặp khi mang thai và sự ảnh hưởng của nó trong đời sống hàng ngày
1.1. Bất thường về sàn chậu, sinh dục, tiết niệu
Rối loạn sàn chậu bao gồm một nhóm các rối loạn thường cùng tồn tại: sa cơ quan vùng chậu, tiểu không tự chủ, đại tiện không tự chủ, đau vùng chậu và rối loạn chức năng tình dục.
Một nghiên cứu báo cáo rằng trong 424 phụ nữ mang thai có 46,1% sản phụ có ít nhất một triệu chứng rối loạn sàn chậu khi mang thai với tỷ lệ: 62,3% tiểu không tự chủ, 41,1% sa cơ quan vùng chậu và 37,8% đại tiện không tự chủ; đi kèm là thông số về mức độ nhận thức, hiểu biết về rối loạn chức năng sàn chậu như sau: 341 (80,4%) phụ nữ mang thai có kiến thức thấp về tiểu không tự chủ và 191 (45,0%) có kiến thức thấp về sa cơ quan vùng chậu.
Một nghiên cứu đa trung tâm khác với 1500 người tham gia cho thấy tỷ lệ tiểu không tự chủ là 10,8% trong 12 tháng trước khi mang thai và nguy cơ tăng lên 55,9% vào tam cá nguyệt thứ ba.
Cũng trong một nghiên cứu khác của Chan và cộng sự, trên 442 phụ nữ đã chứng minh rằng tỷ lệ mắc các triệu chứng tiểu không tự chủ và sa tử cung tăng lên đáng kể khi thai kỳ tiến triển. Theo nghiên cứu của họ, tỷ lệ tiểu không tự chủ do căng thẳng trong tam cá nguyệt thứ ba là 37,8% so với 9,1% trong tam cá nguyệt thứ nhất. Tương tự, đối với chứng tiểu không tự chủ, tỷ lệ phổ biến là 4,9% trong tam cá nguyệt thứ nhất và tăng lên 14,3% trong tam cá nguyệt thứ ba.
Các bất thường về sàn chậu thường gặp khi mang thai
1.2. Khó thở
– Là triệu chứng xuất hiện phổ biến khi mang thai, chiếm 70% thai phụ.
– Bắt đầu từ tháng thứ 4 của thai kỳ, tử cung ngày càng phát triển sẽ gây áp lực lên cơ hoành, khiến thai phụ cảm thấy khó thở, nhất là vào 3 tháng cuối thai kỳ.
– Một nguyên nhân khác khiến thai phụ khó thở là do lượng máu trong cơ thể tăng lên, khiến tim phải hoạt động nhiều hơn để vận chuyển máu trong cơ thể đến nhau thai, điều này làm các thai phụ thấy mệt khi hít thở, thở khó.
– Khi thai nhi ngày càng lớn lên làm cho tử cung ngày càng mở rộng gây chèn ép cơ hoành, hoạt động của cơ hoành bị hạn chế, mà cơ hoành là một trong những cơ hô hấp quan trọng, vì vậy xuất hiện hiện tượng khó thở ở mẹ.
1.3. Suy tĩnh mạch chi dưới
– Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai hóc môn sinh dục nữ progesterone tăng lên làm giãn và suy tĩnh mạch.
– Thay đổi lưu lượng máu: Mang thai làm tăng lưu lượng máu trong cơ thể người mẹ để nuôi thai, do đó tạo áp lực đối với các tĩnh mạch ở chân.
– Thai phát triển gây chèn ép: Khi bào thai càng phát triển, tăng dần kích thước sẽ chèn ép lên các tĩnh mạch nhất là chi dưới, làm giảm lưu thông máu và gây suy giãn tĩnh mạch.
– Di truyền hoặc đã suy giãn tĩnh mạch ở lần mang thai trước. Gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch hoặc những lần mang thai trước đã bị suy giãn tĩnh mạch sẽ làm tăng nguy cơ mắc phải tình trạng này và bệnh thường tiến triển nặng hơn.
– Các nguyên nhân khác: Mang đa thai, bị thừa cân, béo phì, hoặc thường xuyên đứng lâu, đi nhiều sẽ tạo áp lực ở chân và gây giãn tĩnh mạch khi mang thai.
1.4. Đau hệ cơ xương khớp
Thay đổi cấu trúc giải phẫu của cột sống khi mang thai
– Sự lớn dần của thai nhi dẫn đến sự thay đổi tư thế cơ thể, bao gồm:
+ Cổ đổ về phía trước gây ra hiện tượng đau cổ, có thể lan đau tê tay và ngón tay, đau giữa xương bả vai, hội chứng ống cổ tay do chèn ép dây thần kinh giữa.
+ Đầu có xu hướng ngã về phía sau gây đau cột sống cổ, cứng cơ vùng cổ.
+ Khung chậu nghiêng về phía trước có thể chèn ép gây đau thần kinh tọa, đau thắt lưng, đau chân, đau xương mu.
+ Duỗi quá mức của vùng thắt lưng trên gây đau xương sườn, khó thở.
+ Duỗi quá mức khớp gối và bàn chân phẳng gây đau gót chân và bàn chân.
– Tỷ lệ sản phụ đau lưng trên toàn cầu khá cao, con số dao động 25-90% ở Hoa Kỳ, Châu Âu và một số khu vực ở Châu Phi, với tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở Brazil và Thụy Điển. Nó thường xảy ra trong tam cá nguyệt hai (trung bình tuần 22 của thai kỳ), và cơn đau có thể kéo dài đến ba năm sau sinh chiếm 20%. Ước tính 1/3 sản phụ chịu đựng cơn đau dữ dội cho biết 80% ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, giấc ngủ, và 10% khiến họ mất khả năng lao động.
2. Để dự phòng các dấu hiệu đó các phụ nữ mang thai cần phải làm gì?
– Thai phụ cần được Bác sỹ sản khoa, Bác sỹ phục hồi chức năng (PHCN) tư vấn về PHCN thai sản, đó là một phần của tập thể dục và một phần của các hoạt động thể chất.
– Phục hồi chức năng thai sản gồm PHCN tiền sản và PHCN hậu sản. Sản phụ sẽ được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc để hiểu rõ kiến thức hệ cơ xương khớp, hệ hô hấp, tuần hoàn, tiết niệu giúp giảm thiểu những khiếm khuyết trong thai kỳ (kiểm soát cơn đau, giảm sự ảnh hưởng chức năng hoạt động của cơ thể) và giúp sản phụ duy trì hoặc lấy lại chức năng ổn định trong thời gian chuẩn bị sinh và hậu sinh.
ThS.BS. Trần Thị Lý Thanh
Đơn vị Đông y – Phục hồi chức năng
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng
Tài liệu tham khảo
1. Berber M., “Characteristics of Low Back Pain in Pregnancy, Risk Factors, and Its Effects on Quality of Life”. Pain Management Nursing. 2020 Dec 1;21(6):579-86.
2. Chan, S.S.; Choy, K.W.; Yiu, K.W.; Cheung, R.Y.; Leung, T.Y (2017), “Pelvic floor disorder related to pregnancy: A prospective observational study”, Hong Kong Med, (Suppl. 2), 42–46.
3. Prevalence, Knowledge and Awareness of Pelvic Floor Disorder among Pregnant Women in a Tertiary Centre, Malaysia Mukhtar Nur Farihan 1 , Beng Kwang Ng 2,Su Ee Phon 2 , Mohamed Ismail Nor Azlin 2 , Abdul Ghani Nur Azurah 2 and Pei Shan Lim,2022, International Journal of Environmental Research and Public Health