1. Dinh dưỡng trong giai đoạn 3 tháng giữa
– Đây là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh vì vậy cần tăng đáp ứng năng lượng cho bà mẹ khi có thai.
– Khẩu phần ăn của người mẹ trong giai đoạn 3 tháng giữa nên tăng 250 kcal/ ngày.
– Đây là giai đoạn phát triển về khung xương, chiều cao của trẻ nên chú ý ăn các thực phẩm giàu can xi, kẽm như: tôm, cua, trứng, sữa, thủy sản.
– Thai phụ tiếp tục uống bổ sung viên sắt/ acid folic hoặc viên đa vi chất.
Chú trọng cung cấp đủ canxi:
– Nhu cầu canxi là 1200mg/ngày, vì thế ngoài chế độ ăn thông thường cần uống thêm 6 đơn vị sữa/ngày.
– 1 đơn vị sữa và chế phẩm sữa cung cấp 100mg canxi, tương đương:
– 1 miếng phô mai có trọng lượng 15g
– 1 hộp sữa chua 100g
– 1 cốc sữa dạng lỏng 100ml (sữa dạng lỏng có thể là sữa tươi, sữa tiệt trùng hoặc sữa bột).
2. Các chất dinh dưỡng cần thiết trong thai kỳ
2.1. Chất bột đường (glucid)
– Glucid là nguồn cung cấp năng lượng chính của cơ thể.
– Nhu cầu glucid cung cấp 55-65% tổng năng lượng. Không nên ăn quá nhiều glucid tinh chế như đường, bánh kẹo,…
– Nguồn glucid có chủ yếu trong cơm, bún, phở, khoai, củ…
2.2. Chất đạm (protid)
– Nhu cầu protein người mẹ tăng lên giúp việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. Bữa ăn của người mẹ cần phối hợp giữa protein động vật và protein thực vật.
– Nhu cầu đạm chiếm 13-20% tổng năng lượng.
– Các thực phẩm cung cấp protein động vật gồm thịt, cá, trứng, sữa, cua, thủy, hải sản,.. protein thực vật như đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc,..
2.3. Chất béo (lipid)
– Chất béo tham gia vào quá trình hình thành và phát triển não trong quá trình mang thai. – Cung cấp quá ít lượng chất béo hàng ngày không những ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và thần kinh mà còn nhiều cơ quan khác của thai nhi, làm giảm sự hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngược lại tiêu thụ quá nhiều chất béo có thể dẫn tới thừa cân, béo phì, ảnh hưởng đến phát triển của thai cũng như nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây và hội chứng rối loạn chuyển hóa cho mẹ.
– Nhu cầu chất béo khuyến nghị từ 25-30% năng lượng tổng số. Trong đó lipid động vật/ tổng số không vượt quá 60%.
– Nguồn cung cấp chất béo là dầu, mỡ và các loại hạt có dầu như lạc, vừng, hạt điều….
3. Một số vitamin và khoáng chất cần thiết
3.1. Canxi
– Nhu cầu Canxi ở phụ nữ mang thai là 1200mg
– Canxi cần cho sự phát triển xương của thai nhi
– Thực phẩm giàu canxi: cua đồng, rạm, tép, sữa…
3.2. Vitamin D
– Nhu cầu vitamin D ở phụ nữ có thai là 20mcg/ngày
– Vitamin D giúp hấp thu và chuyển hóa canxi, phốt pho vào cơ thể.
– Ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tự tổng hợp vitamin D ở da. Ngoài ra, vitamin D có nhiều trong các thực phẩm: sữa, trứng, phô mai…
3.3. Sắt
– Nhu cầu sắt ở phụ nữ có thai từ 27,4 – 41,1 mg/ngày
– Vai trò của sắt: tham gia quá trình tạo máu thai nhi, dự phòng thiếu máu cho mẹ. Thực phẩm giàu sắt: thịt đỏ, trứng, cá mòi, cá cơm, rau lá xanh đậm (rau dền, ngót, …)
3.4. Chất xơ
– Nhu cầu chất xơ ở phụ nữ có thai là 28g/ ngày.
– Bổ sung chất xơ giúp tránh táo bón, giảm đường huyết, mỡ trong máu, làm nhẹ các dấu hiệu nghén, giúp ăn ngon miệng hơn.
– Chất xơ có nhiều nhiều trong rau, quả, ngũ cốc, khoai củ…
3.5. Folate (vitamin B9)
– Nhu cầu Folate ở phụ nữ có thai là 400-600mcg/ngày
– Folate cần thiết cho sự phát triển hệ thần kinh trung ương, tham gia tạo máu thai nhi. Thực phẩm chứa nhiều folate: rau xanh đậm (bông cải, bắp cải, ..), ngũ cốc nguyên hạt,…
3.6. Vitamin A
– Nhu cầu vitamin A trong 3 tháng giữa giống với trước khi mang thai: 650 mcg/ngày. Vitamin A giúp tăng trưởng và tăng cường hệ miễn dịch
– Thực phẩm giàu vitamin A: rau xanh, trái cây màu xanh, đỏ, vàng, sữa, lòng đỏ trứng,…
Lưu ý: Phụ nữ có thai không nên dùng quá liều vitamin A 3000mcg (10000 IU)/ ngày hoặc 7500mcg (25000 IU)/ 1 tuần
3.7. Omega 3
– Omega -3 có vai trò quan trọng trong sự phát triển thần kinh và thị giác của thai nhi Omega-3 có nhiều trong cá hồi, cá mòi, … Ngoài ra có thể bổ sung omega – 3 qua các viên uống bổ sung
3.8. Vitamin C
– Nhu cầu vitamin C phụ nữ có thai 110mg/ngày
– Vitamin C cần thiết cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ. Vitamin cần thiết để tạo collagen, protein cho cơ thể. Vitamin C đóng vai trò như một chất chống oxy hóa để bảo vệ cơ thể chống nhiễm khuẩn
– Hoa quả tươi và rau lá rất giàu vitamin C
4. Một số lưu ý quan trọng về dinh dưỡng khi mang thai
Đồ ăn, thức uống nên hạn chế:
– Tuyệt đối không hút thuốc, uống rượu, chất kích thích.
– Giảm ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi.
– Hạn chế uống cà phê và các thức ăn chế biến công nghiệp trong thời gian mang thai.
– Giảm ăn mặn nhất là đối với những người mẹ có phù, tăng huyết áp hoặc nhiễm độc thai nghén để tránh tai biến khi sinh.
Không nên quá kiêng khem:
– Phụ nữ có thai không nên chỉ ăn một vài loại thức ăn hoặc ăn quá nhiều thức ăn chua hoặc cay…vì dễ gây thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Bữa ăn cần đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau (nên có ít nhất 10 loại thực phẩm/ 1 bữa ăn chính).
– Việc dùng thuốc trong thời gian mang thai cần đặc biệt thận trọng và phải tuân thủ hướng dẫn của nhân viên y tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế, (2017), “Hướng dẫn Quốc gia Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú”.
2. ACOG (American college of Obstetricians and Gynecologists), (2022). “Nutrition During Pregnancy”.