1. U xơ cơ tử cung
1.1. U xơ cơ tử cung
– U xơ cơ tử cung (UXCTC) là khối u lành tính không rõ nguyên nhân do sự phát triển quá mức của sợi cơ trơn và mô liên kết ở tử cung. U xơ cơ tử cung thường không có triệu chứng và thường được phát hiện tình cờ qua khám hay siêu âm.
– Trong một số trường hợp UXCTC gây biến chứng như thiếu máu do cường kinh, mong con, sẩy thai, sinh non, chèn ép các cơ quan trong ổ bụng.
– Tỷ lệ mắc của UXCTC là 20 – 40% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, trong khi mang thai với tỉ lệ là 16.7%.
1.2. Ảnh hưởng đến thai kỳ
– U xơ cơ tử cung có thể tăng hoặc giữ nguyên kích thước trong thai kỳ. Sự tăng trưởng này có thể do tăng lượng máu đến tử cung trong quá trình phát triển của thai. Kết hợp với áp lực tăng lên trong ổ bụng do thai phát triển.
– Sự phát triển của u xơ có thể gây khó chịu, tăng cảm giác căng tức. Bên cạnh đó, u xơ có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non, ngôi thai bất thường khi chuyển dạ.
– Một số trường hợp khối u xơ lớn có thể chặn tử cung hoặc ngăn không cho em bé đi vào ống sinh, nên không thể sinh thường. Trong trường hợp này, em bé được sinh bằng phương pháp mổ lấy thai. Phụ nữ có u xơ lớn có thể bị mất máu nhiều hơn sau khi sinh.
1.3. Điều trị
– Thông thường, u xơ tử cung không cần điều trị trong thời kỳ mang thai. Nếu thai phụ đang có các triệu chứng như đau hoặc khó chịu, thì có thể nghỉ ngơi.
– Trong trường hợp các biến chứng khác như dọa sinh non, cần nhập viện để điều trị và theo dõi. Rất hiếm trường hợp u xơ cơ tử cung cần được phẫu thuật trong thai kỳ.
2. U nang buồng trứng
2.1. U nang buồng trứng
– Nang buồng trứng lành tính bao gồm nang cơ năng như nang hoàng thể, nang hoàng tuyến; nang thực thể như nang bì buồng trứng, nang lạc nội mạc tử cung buồng trứng.
– Tỷ lệ khối u phần phụ khi mang thai được ước tính là 0,2-2% tùy thuộc vào giai đoạn của thai kỳ. Và phần lớn các khối u này là lành tính.
2.2. Chẩn đoán
– Thường dựa vào siêu âm và các dấu hiệu chèn ép trên lâm sàng. Phân độ IOTA để sàng lọc nguy cơ lành tính và ác tính của các khối u trên siêu âm. Một số trường hợp có thể kết hợp MRI hoặc các xét nghiệm marker khối u.
2.3. Ảnh hưởng đến thai kỳ
Hầu như các khối u buồng trứng không ảnh hưởng đến thai kỳ. Một số trường hợp gây cảm giác chèn ép khi thai phát triển.
2.4. Điều trị
– Một khối u phần phụ không có triệu chứng xuất hiện dưới dạng u nang đơn giản có kích thước từ 5cm trở xuống hoặc u nang có các đặc điểm lành tính rõ ràng thường có khả năng tự khỏi và không cần theo dõi hoặc điều trị thêm trong thai kỳ.
– Những trường hợp u nang buồng trứng có nguy cơ bất thường cao sẽ được bác sỹ Sản khoa theo dõi, cân nhắc can thiệp khi cần thiết để tránh các biến chứng do điều trị gây nên.