1. Phôi là gì?
Khi tinh trùng của người chồng kết hợp với noãn của người vợ sẽ tạo thành hợp tử. Hợp tử được nuôi cấy trong môi trường thích hợp sẽ phát triển thành phôi.
Người ta thường gọi tên phôi dựa trên số ngày được nuôi cấy, ví dụ như phôi được nuôi đến ngày thứ 3 sau ngày thụ tinh được gọi là phôi ngày 3, nuôi cấy đến ngày thứ 5 sau ngày thụ tinh thì gọi là phôi ngày 5.
2. Nuôi phôi và lợi ích của nuôi phôi dài ngày
Phôi ngày 2, ngày 3 là phôi đang ở giai đoạn phân chia từ 4 – 12 tế bào, tỉ lệ phôi có thể làm tổ ở buồng tử cung nếu chuyển trung bình là 20 – 50%.
Phôi ngày 5, phôi ngày 6 tức là phôi đang ở giai đoạn phôi nang, tỉ lệ phôi có thể làm tổ ở buồng tử cung nếu chuyển trung bình là 40–70% cao hơn phôi ngày 2 & ngày 3.
Nuôi phôi dài ngày tức là nuôi phôi từ giai đoạn phôi phân chia (phôi ngày 2 và ngày 3) lên phôi giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5 và ngày 6).
Nuôi phôi dài ngày giúp chọn lọc phôi, tăng tỉ lệ đậu thai ở mỗi lần chuyển phôi.
Một số cân nhắc khi lựa chọn nuôi phôi dài ngày
– Nuôi phôi chỉ có vai trò giúp chọn lọc phôi chứ không làm cho phôi tốt hơn.
– Một tỉ lệ nhỏ phôi không chất lượng hoặc không phù hợp với việc nuôi phôi sẽ gây nguy cơ không có phôi ngày 5.
– Không phải trường hợp nào cũng nuôi phôi từ ngày 3 lên ngày 5.
Các trường hợp được chỉ định nuôi phôi ngày 5
· Nuôi lên ngày 5 vì có chỉ định sinh thiết phôi.
· Thất bại với chuyển phôi phân chia hơn 2 lần.
· Bệnh nhân mong muốn nuôi phôi lên ngày 5 khi đã được tư vấn nguy cơ.
· Có hơn hoặc bằng 5 phôi ngày 3 loại I và loại II.
Hình ảnh phôi phát triển từ lúc thụ tinh đến phôi ngày 5
3. Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ: Preimplantation Genetic Testing – PGT hay còn gọi sinh thiết phôi là kỹ thuật giúp phát hiện các bất thường về di truyền trong các phôi được tạo ra từ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Kết quả thu được từ PGT sẽ giúp bác sỹ và bệnh nhân lựa chọn được phôi tối ưu để thực hiện chuyển phôi. Phôi được sử dụng để sinh thiết là những phôi giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5 và ngày 6).
– Dựa theo mục đích cụ thể khi thực hiện, xét nghiệm PGT có thể chia thành 3 nhóm như sau:
• PGT-A nhằm phát hiện các bất thường liên quan số lượng nhiễm sắc thể
• PGT-SR nhằm phát hiện các bất thường liên quan cấu trúc nhiễm sắc thể
• PGT-M nhằm phát hiện các bất thường về bệnh lý di truyền đơn gen
Vai trò của xét nghiệm di truyền tiền làm tổ trong chọn lọc phôi
– Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ sẽ phát hiện được những phôi có bất thường nhiễm sắc thể, từ đó có thể loại bỏ những phôi bất thường và chỉ giữ lại những phôi có chất lượng tốt để chuyển vào tử cung, nâng cao hiệu quả làm tổ của phôi.
– Ngoài ra, với những bệnh nhân đã sinh ra con có bất thường nhiễm sắc thể hoặc bản thân người cha hay mẹ mang gen đột biến thì xét nghiệm di truyền tiền làm tổ còn giúp phát hiện và từ đó loại bỏ phôi mang bất thường di truyền. Đứa trẻ khi sinh ra sẽ không mắc phải các bệnh di truyền như thế hệ trước.
– Hơn nữa, xét nghiệm di truyền tiền làm tổ còn giúp bệnh nhân giảm bớt số phôi chuyển trong một lần chuyển, tránh nguy cơ đa thai cũng như tình trạng ngừng thai kỳ do các di tật di truyền của thai nhi.
Một số lợi ích của xét nghiệm di truyền tiền làm tổ
– Tăng khả năng đậu thai gần 80%.
– Giảm nguy cơ sẩy thai.
– Giảm số chu kỳ làm IVF cần để đậu thai, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí.
– Tăng cơ hội con sinh ra khỏe mạnh.
Xét nghiệm tiền làm tổ giúp có thêm thông tin về di truyền của phôi hỗ trợ trong lựa chọn phôi chuyển
Vì những lợi ích thiết thực và vượt trội mang lại cho các cặp vợ chồng mong con, nuôi phôi dài ngày và xét nghiệm di truyền tiền làm tổ đang dần được thực hiện phổ biến ở các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích mang lại, bệnh nhân cần được tư vấn bởi bác sỹ chuyên khoa và cân nhắc các nguy cơ trước khi quyết định thực hiện.
BS. Mai Đức Tiến
BS. Võ Văn Cường
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY, Khoa Phụ Sản Bệnh viện Gia Đình