1. Bệnh hiếm là gì?
Bệnh hiếm là một bệnh lý ảnh hưởng đến phần nhỏ những cá nhân trong quần thể dân số chung với tỉ lệ <5/10000 dân. Những thông tin về tình trạng bệnh, tần suất xuất hiện ít nên thường khó được phát hiện và chẩn đoán, do đó việc quản lý bệnh còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của các kỹ thuật xét nghiệm di truyền, hệ thống cơ sở dữ liệu và các can thiệp sàng lọc, điều trị đã mang đến nhiều kết quả tích cực trong việc quản lý bệnh hiếm.
Tần suất bệnh hiếm xuất hiện khoảng 5/10000 người trong quần thể dân số chung trên thế giới. Tuy nhiên, tần suất thay đổi theo từng quốc gia, chủng tộc như ở châu Âu khoảng 5/10000, Nhật Bản < 2.5/10000 và châu Úc 1/10000. Khoảng 7000 bệnh hiếm đã được công bố và số lượng này vẫn đang được cập nhật trên y văn. Khoảng 80% bệnh hiếm có nguyên nhân di truyền, bên cạnh những nguyên nhân không do di truyền như bệnh tự miễn, nhiễm trùng, ung thư. Những bệnh hiếm, di truyền đơn gen phổ biến ở Việt Nam bao gồm thiếu máu tan máu bẩm sinh Thalassemia, vàng da ứ mật do thiếu hụt Citrin, thiếu men G6PD, Phenylketon niệu, bệnh Wilson (rối loạn chuyển hóa đồng).
Biểu hiện của bệnh hiếm có thể khởi phát rất sớm trong thời kỳ bào thai như các bất thường về hình thái, chuyển hóa đến biểu hiện lúc sinh, một số trường hợp biểu hiện ở những giai đoạn độ tuổi lớn. Mức độ biểu hiện bệnh có thể từ thai ngưng phát triển trong bào thai, dị tật bẩm sinh, phụ thuộc điều trị suốt đời hoặc những triệu chứng nhẹ không ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm thần, vận động của trẻ.
2. Một số bệnh hiếm di truyền đơn gen phổ biến tại Việt Nam
2.1. Thiếu máu tan máu bẩm sinh Thalassemia
Là bệnh lý di truyền do đột biến gen, cấu trúc nhiễm sắc thể, di truyền theo cơ chế gen lặn trên nhiễm sắc thể thường. Tần suất người lành mang gen tại Việt Nam khoảng 1/22 đối với alpha Thalassemia và 1/32 đối với beta Thalassemia.
Bệnh nhân với tình trạng bệnh lý Thalassemia nặng có nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe như thiếu máu, vàng mắt, sạm da, bụng chướng to cùng với đó là hiện tượng phì đại xương gây biến dạng mặt, trán dô, mũi tẹt, răng hô, chậm phát triển… và có thể phải truyền máu suốt đời. Quá trình điều trị đòi hỏi truyền máu trong một thời gian dài với chi phí vô cùng tốn kém. Theo ước tính chi phí điều trị trung bình cho một bệnh nhân mắc Thalassemia biến chứng nặng từ khi sinh ra tới 30 tuổi tiêu tốn khoảng 3 tỷ đồng.
2.2. Vàng da ứ mật do thiếu hụt men Citrin
Bệnh di truyền theo dạng gen lặn nhiễm sắc thể thường với tần suất người lành mang gen bệnh khoảng 1/32. Bệnh liên quan đến quá trình chuyển hóa ure. Biểu hiện chính là vàng da, ứ mật ở trẻ sơ sinh và tiền sử nhẹ cân, giới hạn tăng trưởng, rối loạn chức năng gan ở trẻ. Thể bệnh nặng hơn có thể ảnh hưởng đến các chức năng tâm thần, vận động của trẻ và giảm chất lượng cuộc sống.
2.3. Thiếu men G6PD
Bệnh di truyền theo cơ chế gen lặn trên nhiễm sắc thể X với tần suất người lành mang gen bệnh khoảng 1/36. Men G6PD cần thiết để giúp cho màng tế bào hồng cầu bền vững trước những tác nhân oxy hóa. Thiếu hụt men G6PD sẽ dẫn đến màng hồng cầu dễ bị vỡ, gây tan máu và vàng da do tăng bilirubin, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, nhất là giai đoạn sơ sinh.
2.4. Phenylketon niệu
Bệnh di truyền theo cơ chế lặn trên nhiễm sắc thể thường với tần suất người lành mang gen bệnh khoảng 1/60. Phenylketon niệu đặc trưng bởi không dung nạp acid amine thiết yếu phenylalanine trong bữa ăn hàng ngày. Mức độ trầm trọng phụ thuộc vào mức độ thiếu hụt enzym chuyển hóa phenylalanine. Hầu hết trẻ em bị chứng phenylketon niệu đều bình thường khi sinh nhưng các triệu chứng và dấu hiệu sẽ phát triển trong vài tháng khi phenylalanine tích tụ.
Dấu hiệu của Phenylketon niệu không được điều trị là tình trạng khuyết tật về trí tuệ nghiêm trọng. Trẻ em có biểu hiện tăng động quá mức, rối loạn tâm thần, rối loạn dáng đi và thường có mùi cơ thể khó chịu như chuột gây ra bởi axit phenylacetic (một chất giáng hóa của phenylalanine) trong nước tiểu và mồ hôi. Trẻ em cũng có xu hướng làn da, tóc và màu mắt sáng hơn những thành viên trong gia đình không bị ảnh hưởng, một số có thể phát ban tương tự như eczema trẻ sơ sinh. Tuy nhiên thể bệnh này có tiên lượng tốt nếu chẩn đoán và điều trị kịp thời bằng cách hạn chế lượng phenylalanine trong bữa ăn hàng ngày kết hợp khám chuyên gia dinh dưỡng.
2.5. Bệnh Wilson (Rối loạn chuyển hóa đồng)
Bệnh di truyền theo cơ chế lặn trên nhiễm sắc thể thường với tần suất người lành mang gen khoảng 1/110. Là rối loạn gen do di truyền, làm cơ thể không thể thải trừ được lượng đồng dư trong cơ thể. Do lượng đồng dư, tích tụ ở các cơ quan, dẫn đến vàng da, vàng mắt, các biểu hiện tâm thần và vận động.
3. Sàng lọc và dự phòng bệnh hiếm do di truyền đơn gen
Việc khám tiền hôn nhân sẽ giúp sàng lọc những cặp vợ chồng có mang gen bệnh. Cặp vợ chồng sẽ được thông báo các nguy cơ và tần suất sinh ra trẻ mắc bệnh di truyền đơn gen khi họ có nguyện vọng mang thai. Thêm vào đó, với những bước phát triển trong các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản kết hợp xét nghiệm tiền làm tổ (PGT) có thể chọn lọc những phôi không có khả năng mắc bệnh di truyền đơn gen, giúp cho cặp vợ chồng có một đứa con khoẻ mạnh và góp phần làm loại trừ bệnh hiếm do di truyền đơn gen ra khỏi cộng đồng.
Xét nghiệm di truyền tiền làm tổ sẽ được thực hiện tại phòng LAB của IVFMD FAMILY
4. Quy trình thực hiện tại hỗ trợ sinh sản kết hợp PGT
Bước 1: Cặp vợ chồng có chẩn đoán mang gen bệnh được tư vấn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5)
Bước 2: Sinh thiết một vài tế bào lá nuôi phôi để xét nghiệm di truyền tiền làm tổ. Phôi sau đó được đông lạnh.
Bước 3: Mẫu tế bào được phân tích di truyền, chọn lọc những phôi không có khả năng mang gen bệnh.
Bước 4: Chuẩn bị nội mạc, rã đông phôi không mang gen bệnh, chuyển phôi trữ.
Các bước thực hiện IVF kết hợp xét nghiệm tiền làm tổ (nguồn HOPE Research Center)
Bệnh hiếm là bệnh lý liên quan đến một phần nhỏ trong cộng đồng, với nguyên nhân phổ biến nhất là các bất thường di truyền. Với những tiến bộ của các lĩnh vực di truyền, chẩn đoán trước sinh và hỗ trợ sinh sản, việc quản lý, tầm soát bệnh hiếm ngày càng được mở rộng, mang đến cơ hội cho các cặp vợ chồng có cơ hội mang thai và sinh em bé khỏe mạnh sau khi đã tầm soát, sàng lọc bệnh hiếm do yếu tố di truyền.
BS. Nguyễn Đỗ Thị Phương Thảo – BS. Võ Văn Cường
Đơn vị IVFMD FAMILY – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình
Tài liệu tham khảo
1. Angural A, Spolia A, Mahajan A, Verma V, Sharma A, Kumar P, Sharma S. (2020). Review: Understanding Rare Genetic Diseases in Low Resource Regions Like Jammu and Kashmir – India. Frontiers in Genetics, 11.
2. Lee CE, Singleton KS, Wallin M, Faundez V. Rare Genetic Diseases: Nature’s Experiments on Human Development. iScience. 2020 May 22;23(5):101123
3. https://www.cdc.gov/ncbddd/thalassemia/features/international-thalassemia.html