Giảm dự trữ buồng trứng

Hình ảnh mô phỏng buồng trứng bình thường và buồng trứng bị suy

1. Giới thiệu

  • Giảm dự trữ buồng trứng (diminished ovarian reserve – DOR) là tình trạng suy giảm số lượng trứng không hồi phục, nguyên nhân có thể do yếu tố tuổi, di truyền, điều trị thuốc, điều trị phẫu thuật và môi trường.
  • Bệnh nhân có giảm dự trữ buồng trứng liên quan đến ít đáp ứng với kích thích buồng trứng, tỉ lệ ngưng chu kỳ cao, và tỉ lệ trẻ sinh sống thấp khi thực hiện hỗ trợ sinh sản. Hình thái nghiêm trọng nhất của giảm dự trữ buồng trứng là suy buồng trứng sớm với đặc trưng là không có kinh nguyệt, tăng nồng độ gonadotropin ở độ tuổi dưới 40.

2. Xét nghiệm đánh giá giảm dự trữ buồng trứng

  • Theo khuyến cáo của Hội Nội tiết sinh sản Hoa Kỳ 2020, xét nghiệm nồng độ AMH và siêu âm đếm nang noãn thứ cấp đầu chu kì kinh (AFC) là 2 xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng có độ nhạy cao, đơn giản và dễ áp dụng. Vì vậy có thể định lượng nồng độ AMH hoặc số lượng nang noãn đầu chu kỳ ở những trung tâm có kinh nghiệm. Nồng độ AMH < 0.5 – 1.1 ng/ml hoặc AFC < 5 – 7 nang được gọi là bất thường về xét nghiệm dự trữ buồng trứng theo tiêu chuẩn Bologna.
  • Điều quan trọng là đánh giá được những bệnh nhân có nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng; hoặc ít nhất không để bệnh nhân đến giai đoạn suy buồng trứng sớm nhằm có những biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời về mặt hiếm muộn; cũng như chuẩn bị cho giai đoạn điều trị do những rối loạn nội tiết liên quan đến mãn kinh do suy buồng trứng sớm. Đối với những đối tượng có nguy cơ, có thể có các biện pháp dự phòng ban đầu như bảo tồn khả năng sinh sản trước khi điều trị ung thư, hội chứng Turner hay trì hoãn việc phẫu thuật khối u nang lạc nội mạc tử cung sau khi đã điều trị hiếm muộn là những hành động cần thiết để giảm biến chứng của những nguyên nhân suy buồng trứng sớm có thể dự phòng được.
Xét nghiệm sinh hoá AMH giúp đánh giá về dự trữ buồng trứng ở người phụ nữ

3. Nguyên nhân và hướng điều trị

Nguyên nhân của giảm dự trữ buồng trứng có thể do tuổi, điều trị phẫu thuật liên quan đến buồng trứng, điều trị ung thư, một số bệnh lý tự miễn, nhiễm trùng và do di truyền.

  • Đối với nang buồng trứng (thường lành tính) như nang lạc nội mạc tử cung, u bì buồng trứng có thể lựa chọn phương án theo dõi hoặc các phương pháp điều trị thay thế cho phẫu thuật để hạn chế giảm dự trữ buồng trứng do điều trị phẫu thuật tại buồng trứng gây nên.
  • Đối với những trường hợp chuẩn bị hóa, xạ trị, phẫu thuật ở bệnh nhân ung thư, có thể bảo tồn khả năng sinh sản như trữ noãn, trữ phôi, trữ mô buồng trứng trước điều trị.
  • Noãn ở người giảm số lượng và chất lượng sau tuổi 30 và đặc biệt giảm nhanh sau tuổi 35, vì vậy hiện nay nhiều phụ nữ có xu hướng trữ lạnh noãn xã hội để bảo tồn khả năng sinh sản (trữ lạnh noãn không do nguyên nhân bệnh lý). Do những vấn đề về xã hội, cá nhân, học thức và áp lực tài chính, phụ nữ trì hoãn việc có gia đình cho đến khi vấn đề tuổi tác ảnh hưởng đến khả năng mang thai và tăng nguy cơ thai bất thường như sẩy thai, thai bị dị tật. Trữ noãn xã hội để giảm thiểu nguy cơ giảm chất lượng noãn và số lượng noãn do độ tuổi. Hiện tại với các tiến bộ về kĩ thuật trữ lạnh, kết quả trữ noãn tại hệ thống IVF Mỹ Đức khá tốt với tỉ lệ noãn sống sau rã là 94.9% và kết quả tạo phôi, trẻ sinh sống của noãn sau rã tương đương với noãn tươi.

Thời gian từ lúc phát hiện giảm dự trữ buồng trứng tới khi điều trị hiếm muộn là mối quan tâm của cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Nhóm giảm dự trữ buồng trứng thường được khuyến khích điều trị sớm, tích cực để giảm thiểu ảnh hưởng của thời gian lên chất lượng và số lượng noãn.

Với những nguyên nhân như điều kiện tài chính của bệnh nhân, tình hình xã hội như đại dịch Covid-19 có thể trì hoãn việc điều trị mong con. Trong một nghiên cứu của Phillip và cộng sự (2020) về ảnh hưởng của việc trì hoãn điều trị mong con ở nhóm giảm dự trữ buồng trứng cho thấy việc trì hoãn không hơn 180 ngày để có thể không ảnh hưởng đến tiên lượng điều trị của bệnh nhân.

Kết luận

  • Giảm dự trữ buồng trứng dẫn đến giảm khả năng sinh sản, ngay cả khi thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, những phụ nữ giảm dự trữ buồng trứng cũng có tiên lượng điều trị kém hơn những nhóm vô sinh do các nguyên nhân khác bao gồm đáp ứng buồng trứng kém, tỷ lệ ngưng chu kỳ cao và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp.
  • Vì vậy cần lưu ý đánh giá nguy cơ gây giảm dự trữ buồng trứng, từ đó tư vấn về khả năng sinh sản đối với nhóm phụ nữ trì hoãn việc có con vì lý do xã hội để họ sớm có kế hoạch sinh sản hay trữ noãn xã hội. Đặc biệt đối với nhóm bệnh nhân trẻ mắc các bệnh lý di truyền, bệnh lý ác tính, những người đang điều trị các liệu pháp gây độc tế bào hay các can thiệp trên buồng trứng, cần được cân nhắc điều trị để bảo tồn khả năng sinh sản.

BS. Võ Văn Cường
BS. Mai Đức Tiến
Đơn vị Hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
Khoa Phụ Sản – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Tài liệu tham khảo

  1. Sabahat Rasool, Duru Shah. Fertility with early reduction of ovarian reserve: the last straw that breaks the Camel’s back. Fertility Research and Practice. 2017;3(15).
  2. A P Ferraretti, A La Marca, B C J M Fauser, B Tarlatzis, G Nargund, L Gianaroli. ESHRE consensus on the definition of “poor response” to ovarian stimulation for in vitro fertilization: the Bologna criteria. Hum Reprod. 2011;26(7):1616–24.
  3. Testing and interpreting measures of ovarian reserve: a committee opinion. Fertility and Sterility. 2020;114(6):1151–7.
  4. Romanski P.A, Bortoletto P, Rosenwaks Z, Schattman G.L. Delay in IVF treatment up to 180 days does not affect pregnancy outcomes in women with diminished ovarian reserve. Human Reproduction. 2020;1–7