Giãn tĩnh mạch thừng tinh và khả năng sinh sản

Giới thiệu

Giãn tĩnh mạch thừng tinh là hiện tượng giãn bất thường của đám rối tĩnh mạch hình dây leo của tinh hoàn. Tỉ lệ giãn tĩnh mạch thừng tinh ở nam giới trong cộng đồng dân số bình thường là 15%, trong khi đó khoảng 35 – 40% nam giới bị vô sinh có giãn tĩnh mạch thừng tinh. Nghiên cứu của Jarow và cộng sự cho thấy không có sự khác biệt giữa 2 nhóm vô sinh nguyên phát (chưa từng có con) và vô sinh thứ phát (đã từng có con) (45% và 44% theo thứ tự).

Chẩn đoán

Chẩn đoán giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ dựa trên khám lâm sàng với 3 phân độ:

  1. Chỉ sờ được khối tĩnh mạch thừng tinh giãn qua nghiệm pháp Valsava
  2. Có thể sờ được mà không cần nghiệm pháp Valsava, tuy nhiên không nhìn thấy rõ bằng mắt
  3. Có thể nhìn thấy rõ các tĩnh mạch giãn ra và cuộn lại ở bìu

Giãn tĩnh mạch thừng tinh không sờ được khi khám lâm sàng mà chỉ phát hiện khi siêu âm gọi là giãn tĩnh mạch thừng tinh dưới lâm sàng, và thường không có ý nghĩa.

Mối liên quan giữa giãn tĩnh mạch thừng tinh và mong con

Tăng nhiệt độ ở bìu có thể là cơ chế của giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nhiệt độ ở bìu bình thường thấp hơn nhiệt độ trung tâm cơ thể khoảng 2-3 ͦ C. Nhiệt độ ở bìu tăng ở những trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh do ứ đọng dòng máu tại đám rối tĩnh mạch có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh.

Bên cạnh đó, giãn tĩnh mạch thừng tinh làm giảm chức năng của tế bào Leydig – một tế bào quan trọng trong quá trình sinh tinh. Nồng độ testosterone (được tiết ra bởi tế bào Leydid) ít hơn ở nam giới trên 30 tuổi so với nam giới nhỏ hơn cùng có giãn tĩnh mạch thừng tinh, một điều không thấy ở nhóm nam giới không có giãn tĩnh mạch thừng tinh cho thấy phần nào chức năng của tế bào Leydig bị ảnh hưởng bởi giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh làm tăng nồng độ các gốc phản ứng oxy hóa (ROS – reaction oxygen species), là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ phân mảnh DNA tinh trùng (DFI – DNA fragmentation index). Smith và cộng sự cho thấy DFI cao hơn ở nhóm có giãn tĩnh mạch thừng tinh so với nhóm nam giới không có giãn tĩnh mạch thừng tinh (20.7% so với 35.5%). DFI cao đã được chứng minh ảnh hưởng đến khả năng có thai, sự phát triển của phôi và sẩy thai, sẩy thai liên tiếp. Một số nghiên cứu cho thấy các chỉ số của tinh dịch đồ có giảm ở nhóm giãn tĩnh mạch thừng tinh so với nhóm nam giới không có bệnh lý này. Tuy nhiên, các nghiên cứu còn lại không cho thấy có sự liên quan giữa giãn tĩnh mạch thừng tinh và vô sinh. Do đó, hiện tại vẫn chưa có kết luận giãn tĩnh mạch thừng tinh có gây nên vô sinh nam hay không.

Điều trị

Chỉ định điều trị bệnh nhân mong con có giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ khi đầy đủ các yếu tố sau: (1) giãn tĩnh mạch thừng tinh sờ được (độ 1 trở lên); (2) người nam có bất thường một hay nhiều các chỉ số tinh dịch đồ; (3) được chẩn đoán vô sinh; (4) người vợ có chức năng sinh sản bình thường.

Về điều trị, các nhà niệu học hay chuyên gia vô sinh hay sử dụng phương pháp phẫu thuật vi phẫu cắt giãn tĩnh mạch thừng tinh vì có tỉ lệ thành công cao hơn, ít biến chứng hơn so với các kĩ thuật không vi phẫu.

Kết luận

Hiện tại vẫn chưa có chứng cứ khẳng định giãn tĩnh mạch thừng tinh ảnh hưởng đến khả năng có con ở nam giới. Việc điều trị mổ vi phẫu cột tĩnh mạch thừng tinh giãn trên bệnh nhân mong con chỉ được xem xét thực hiện ở những bệnh nhân đầy đủ các yếu tố sau: được chẩn đoán vô sinh, giãn tĩnh mạch thừng tinh sờ được, có bất thường các chỉ số tinh dịch đồ, khả năng sinh sản của người vợ trong giới hạn bình thường. Trong trường hợp giãn tĩnh mạch thừng tinh chỉ phát hiện trên siêu âm, tinh dịch đồ vô tinh thì không có khuyến cáo mổ giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Tài liệu tham khảo chính

  1. Diagnosis and treatment of infertility in men: AUA/ASRM guideline, 2020.
  2. Armand Zini, Jason M. Boman. Varicocele. In Surgical and Medical Management of Male Infertility. Cambridge University Press, 2013, Chapter 17, pp 137-146.

Bs. Võ Văn Cường, Bs. Mai Đức Tiến
Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
Khoa Phụ sản, bệnh viện đa khoa Gia Đình