Nhân trắc học

1. Làm mẹ ở tuổi vị thành niên (nhỏ hơn 16 tuổi)

1.1. Nguy cơ

Theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2019, mỗi năm có gần 21 triệu trẻ gái ở các quốc gia đang phát triển mang thai trong độ tuổi từ 15 đến 19 tuổi, trong đó ước tính gần 2,5 triệu em bé ra đời trong bối cảnh người mẹ < 16 tuổi. 

– Ngay từ lúc mang thai, sản phụ ở độ tuổi vị thành niên đã có nguy cơ sảy thai, mắc các rối loạn như tăng huyết áp thai kỳ, các rối loạn về đường huyết và thiếu máu, thai chậm tăng trưởng cao hơn so với độ tuổi 20 – 34 . 

– Không chỉ vậy, tại thời điểm chuyển dạ, những biến chứng sinh non, chuyển dạ kéo dài, tổn thương sinh dục và tỷ lệ mổ lấy thai cũng cao hơn, biến chứng ở trẻ sơ sinh (trẻ nhẹ cân, nhiễm trùng, suy hô hấp…) cũng nặng nề hơn. Chính vì thế, sự hỗ trợ về mặt tinh thần và y tế cho sản phụ hết sức quan trọng. 

1.2. Ngay khi phát hiện mang thai, những việc cần làm

  • Người mẹ cần sự hỗ trợ tinh thần từ gia đình, người thân và các tổ chức xã hội. Người bố cần có mặt trong suốt quá trình chăm sóc và hỗ trợ giáo dục sức khỏe cho sản phụ.
  • Những kế hoạch thai kỳ (đình chỉ, theo dõi thai kỳ, nhận nuôi…) cần được đề ra và trao đổi kỹ lưỡng với sản phụ và người giám hộ.
  • Siêu âm quý I và II được khuyến cáo sớm và nghiêm ngặt hơn nhằm hỗ trợ đánh giá nguy cơ bệnh lý (tiền sản giật, dọa sinh non – sinh non, thai giới hạn, bệnh lý di truyền…).
  • Tư vấn và tầm soát các yếu tố liên quan đến bệnh lý viêm nhiễm và lây truyền đường tình dục (ngay từ khi phát hiện mang thai, lặp lại ở quý 3 và sau sinh nếu cần thiết). Những vấn đề lạm dụng rượu, chất kích thích cũng cần được đánh giá sớm và thường xuyên.
  • Đảm bảo dinh dưỡng thai kỳ, dự phòng thiếu máu và thai giới hạn tăng trưởng, lập kế hoạch theo dõi cân nặng trong quá trình trình mang thai.
  • Lập kế hoạch theo dõi chuyển dạ, nguy cơ cho mẹ (mổ lấy thai, băng huyết, tổn thương sinh dục…) và cho bé (thai nhẹ cân, suy hô hấp, nhiễm trùng…).
  • Giai đoạn sau sinh cần chú ý tình trạng cho con bú, vấn đề tâm lý, biện pháp tránh thai, tránh tình huống bệnh lý và mang thai ngoài ý muốn.

Những vấn đề quan trọng trong giáo dục về giới tính, biện pháp tình dục an toàn hay kiểm soát nguy cơ lạm dụng và tấn công tình dục ở trẻ vị thành niên cần được chú ý hơn để giảm thiểu nguy cơ mang thai ngoài ý muốn ở độ tuổi < 16. Một kế hoạch theo dõi thai kỳ chi tiết từ ngay khi phát hiện có thai cũng cần được đặt ra, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai. Trong nhiều tình huống, nhiều lựa chọn sẽ được đưa ra để mang lại kết cục tốt nhất cho bản thân mẹ và cho cả gia đình, xã hội.

2. Làm mẹ khi lớn hơn 35 tuổi

2.1. Nguy cơ

Bước qua độ tuổi 35, khái niệm “làm mẹ lớn tuổi” thường đi kèm với nhiều yếu tố nguy cơ, không chỉ tác động đến bản thân người mẹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ sơ sinh. Trước đây định nghĩa “mẹ lớn tuổi” thường ghi nhận > 35, con số này dần dịch chuyển sang 40, hay thậm chí 43 – 45 tuổi, song hành cùng sự phát triển và nâng cao năng lực của người phụ nữ trong xã hội. Không chỉ vậy, những tiến bộ trong công nghệ hỗ trợ sinh sản cũng đã góp phần giúp cho nhiều phụ nữ thực hiện thiên chức làm mẹ ở độ tuổi tứ tuần.

Những nguy cơ xuất hiện ngay từ ngày đầu thai kỳ của người mẹ > 35 tuổi, khi tỷ lệ mắc các bệnh lý di truyền của trẻ cao hơn so với độ tuổi 20 – 35. Theo nhiều nghiên cứu, nguy cơ Down của trẻ tăng dần từ 1/350 đến 1/35 ở độ tuổi từ 35 đến 45. Mặc khác, những bất thường khác liên quan đến nhiễm sắc thể 13, 18 và những biến đổi hình thái liên quan đến gene (bệnh tim bẩm sinh, bất thường ống tiêu hóa, bất thường sọ não và hệ xương…) cũng ghi nhận với tỷ lệ cao gấp đôi ở độ tuổi này. Nguy cơ thai chậm tăng trưởng, thai lưu hay các tình huống bệnh lý sơ sinh cần hỗ trợ tăng cũng tăng cao. Những nguy cơ khác trong thai kỳ bao gồm đái tháo đường thai kỳ và bệnh lý tăng huyết áp đều tăng gấp 1,6 – 3,3 lần so với độ tuổi 20 – 35. Những bệnh lý khác như nhiễm khuẩn, chảy máu hay bệnh lý tim mạch cũng được ghi nhận là có liên quan đến tỷ lệ tử vong mẹ (tăng 7,7 lần so với độ tuổi < 25). Chỉ định mổ lấy thai cũng vì thế tăng cao hơn, đi cùng với nhiều biến chứng cho mẹ và bé. 

2.2. Những lời khuyên cho sản phụ mang thai độ tuổi > 35

  • Trước khi có ý định mang thai hoặc đã mang thai, cần có sự hỗ trợ tư vấn của chuyên gia Sản khoa để được chuẩn bị tốt nhất trong toàn bộ thai kỳ.
  • Dự phòng các bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ và dọa sinh non cần được thực hiện sớm bằng liệu pháp Aspirin liều thấp hằng ngày.
  • Siêu âm và sàng lọc quý 1 (ưu tiên cf DNA) được khuyến cáo hơn là các thủ thuật xâm lấn để đánh giá tình trạng bất thường di truyền của thai nhi. 
  • Siêu âm sàng lọc hình thái ở quý 2 và đánh giá tình trạng tăng trưởng thai nhi suốt thai kỳ cần được thực hiện kỹ càng để phát hiện sớm những nguy cơ bệnh lý bất thường bẩm sinh.
  • Thời điểm kết thúc thai kỳ là sau tuần 39 để giảm thiểu nguy cơ bệnh lý và tử vong sơ sinh ở phụ nữ mang thai > 40 tuổi. Lựa chọn sinh ngả âm đạo vẫn là tối ưu nếu không có chống chỉ định. 
  • Để đảm bảo sức khỏe thai kỳ cho sản phụ độ tuổi > 35, cần có sự phối hợp chăm sóc toàn diện của gia đình, xã hội và hệ thống y tế. Bản thân người mẹ và gia đình cần nắm rõ những nguy cơ và cần thiết lập kế hoạch theo dõi xuyên suốt trong thai kỳ, giảm thiểu tối đa nguy cơ cho mẹ và bé, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để chăm sóc cho mẹ và bé trước, trong và sau sinh.

3. Mẹ có chiều cao < 145 cm

3.1. Nguy cơ

– Chiều cao của người mẹ không chỉ là sự phản ánh của yếu tố di truyền, mà còn là kết quả của tình trạng dinh dưỡng, môi trường, xã hội và còn liên quan đến một số bệnh lý về nội tiết và tim mạch. 

– Đối với phụ nữ mang thai, chiều cao < 145cm được cho là có liên quan đến những đường kính khung chậu, dẫn đến bất tương xứng đầu – chậu trong chuyển dạ, tình trạng kẹt vai, làm gia tăng tỷ lệ bệnh lý và tử vong sơ sinh. 

– Không chỉ vậy, chiều cao mẹ còn ảnh hưởng đến tình trạng sinh non và thai nhẹ cân, đồng thời được ghi nhận liên quan đến nguy cơ tiền giật, nhau bong non, thai giới hạn tăng trưởng hoặc thai ngừng phát triển trong tử cung. 

– Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận mối liên quan giữa chiều cao của mẹ (< 150 cm) với tỷ lệ mổ lấy thai ( > 40%). Tuy nhiên sự tương xứng đầu – chậu còn phụ thuộc khá nhiều yếu tố khác như cân nặng thai nhi, vòng đầu, tiền sử sinh con trước đó.

– Nhiều ghi nhận cũng đã cho thấy sự ảnh hưởng của chiều cao mẹ đến cân nặng của trẻ. Những sản phụ < 145cm  làm tăng nguy cơ trẻ nhẹ cân lên đến 198% và thai giới hạn tăng trưởng ở mức 211%. 

– Mẹ thấp bé cũng là yếu tố bất lợi làm tăng nguy cơ sinh non lên 1,42 lần, và con số này thường tập trung ở người Châu Á, nhất là ở những nước đang phát triển. 

3.2. Những lời khuyên dành cho sản phụ mang thai chiều cao < 145 cm

  • Tình trạng mẹ thấp thường phản ánh tình trạng dinh dưỡng của người mẹ, vì vậy cần chú ý đến chỉ số khối của mẹ (BMI) và tình trạng tăng cân trong thai kỳ để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. 
  • Sàng lọc nguy cơ bệnh lý mẹ: bệnh lý tim mạch, bệnh lý nội tiết, bệnh lý chuyển hóa… cần được đặt ra ngay thời điểm phát hiện mang thai để có hướng tiên lượng và điều trị trong thai kỳ. 
  • Đánh giá tình trạng thai nhi qua siêu âm theo lịch khám thai để đánh giá sự phát triển của thai nhi. 
  • Có kế hoạch chuẩn bị cho thời điểm kết thúc thai kỳ, cần có sự tư vấn và đánh giá kỹ càng từ bác sỹ chuyên khoa để lựa chọn phương pháp sinh cũng như theo dõi trong và sau sinh. 

Một sản phụ có chiều cao dưới trung bình khi mang thai cũng sẽ gặp nhiều bất lợi không chỉ về nguy cơ mắc các bệnh lý thai sản, mà tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh cũng bị ảnh hưởng khá nhiều. Vì vậy, để đảm bảo một thai kỳ an toàn cần có sự phối hợp theo dõi và đánh giá sức khỏe cho mẹ và thai nhi xuyên suốt quá trình mang thai.

4. Mẹ béo phì

4.1. Nguy cơ

 – Theo Tổ chức Y tế Thế giới béo phì được định nghĩa khi chỉ số khối cơ thể BMI > 25 (Body mass Index). Tỷ lệ sản phụ mắc bệnh lý béo phì ngày càng tăng, liên quan đến những nguy cơ và biến chứng nặng cho mẹ như bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ, đái tháo đường và cũng làm tăng tỷ lệ mổ lấy thai. 

– Không chỉ vậy, mẹ béo phì còn gây ra nhiều tình trạng như dị tật thai nhi, đặc biệt là dị tật tim bẩm sinh và dị tật ống thần kinh, thai to, đa ối, ngôi thai bất thường,… dẫn đến nhiều tình huống bất lợi cho cả mẹ và bé trong thai kỳ. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong mẹ và bé tăng cao theo mức độ BMI từ 25 đến 60 lần.

4.2. Một số lời khuyên cho phụ nữ mang thai có BMI > 30

– Ngay từ có kế hoạch mang thai, phụ nữ béo phì (đặc biệt BMI > 30) cần có sự tư vấn của bác sỹ chuyên khoa về vấn đề giảm cân, những nguy cơ trong thai kỳ. Việc giảm cân sẽ làm giảm nguy cơ thai ngưng phát triển, bệnh lý tăng huyết áp và biến chứng, thai to… 

– Không chỉ vậy, giảm cân còn được ghi nhận hỗ trợ trong trường hợp sinh ngả âm đạo ở sản phụ có vết mổ cũ. Vận động mức độ vừa phải 60 phút hoặc tích cực trong 30 phút mỗi ngày, chia nhỏ được cho là có tác dụng hỗ trợ giảm cân. Những phụ nữ béo phì BMI > 30 trước khi mang thai cần bổ sung đủ 5 mg Acid Folic và vitamin D trước sinh ít nhất 1 tháng, giảm thiểu nguy cơ bệnh lý dị tật ống thần kinh và bất thường hấp thu Calcium cơ thể. 

  • Sản phụ cần được khảo sát chiều cao – cân nặng – vòng bụng định kỳ bằng dụng cụ đo lường phù hợp, đánh giá BMI để tư vấn chế độ ăn phù hợp, mục tiêu cân nặng trong từng giai đoạn nhất định. Tuyệt đối không sử dụng thuốc giảm cân và nhịn ăn.
  • Sàng lọc đái tháo đường thai kỳ cần thực hiện sớm tuần thứ 14 -18 thai kỳ, do nguy cơ mắc tăng lên gấp 3 lần so với phụ nữ mang thai cân nặng ổn định. 
  • Tình trạng huyết áp của sản phụ cũng nên được ghi nhận thường xuyên trong mỗi lần thăm khám. Bệnh lý tăng huyết áp thai kỳ có nguy cơ cao hơn ở phụ nữ béo phì, do đó trong tình huống có chỉ định, liều Aspirin dự phòng tiền sản giật cần đạt 150 mg/ngày duy trì từ 12 đến lúc chuyển dạ sinh.
  • Những bệnh lý về rối loạn đông máu và tắc mạch cũng tăng lên ở sản phụ có BMI > 30 ( tắc mạch phổi: 15 lần, tắc tĩnh mạch: 4,4 lần), do đó cần đánh giá dự phòng và điều trị kịp thời. 
  • Thời điểm kết thúc thai kỳ cũng như phương pháp sinh cần được cân nhắc và hỗ trợ tư vấn từ cả hai phía bác sỹ Sản khoa và sản phụ để mang lại sức khoẻ và bình an cho cả mẹ và em bé.

5. Mẹ suy dinh dưỡng

5.1. Nguy cơ

Hiện tại, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai có xu hướng giảm xuống, tuy nhiên nó vẫn là khá nghiêm trọng ở các quốc gia đang phát triển. Con số này được ghi nhận khoảng 9.7% trên toàn thế giới, tập trung chủ yếu ở Nam Á và các quốc gia Châu Phi. Phụ nữ suy dinh dưỡng thường được xác định khi có chỉ số khối cơ thể < 18,5, liên quan đến nhiều bệnh lý trong thai kỳ như thiếu máu ở mẹ, sinh non, bệnh lý bẩm sinh, thai lưu, thai chậm tăng trưởng hoặc nhẹ cân, chậm phát triển tinh thần vận động và cả những bệnh lý liên quan đến tâm sinh lý ở trẻ.

– Dinh dưỡng là yếu tố vô cùng quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Chế độ dinh dưỡng tốt giúp đáp ứng nhu cầu của cơ thể cũng như nuôi dưỡng bào thai. Mục tiêu là cân bằng giữa việc cung cấp đủ chất dinh dưỡng để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và duy trì cân nặng khỏe mạnh.

5.2. Lời khuyên cho mẹ có tình trạng suy dinh dưỡng khi mang thai

– Câu nói phổ biến là phụ nữ mang thai “ăn cho hai người”, nhưng bây giờ chúng ta biết rằng ăn gấp đôi lượng thức ăn thông thường trong thai kỳ là rất nguy hiểm. Thay vì “ăn cho hai người”, hãy ăn uống lành mạnh và đảm bảo năng lượng cho cơ thể, tùy theo nhu cầu của từng bà mẹ. 

– Đối với đơn thai, nhu cầu dinh dưỡng tăng thêm 340 calo mỗi ngày bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai và nhiều hơn một chút trong tam cá nguyệt thứ ba. Phụ nữ mang song thai nên tiêu thụ thêm khoảng 600 calo mỗi ngày và phụ nữ mang tam thai nên tiêu thụ thêm 900 calo mỗi ngày.

Theo đó, chế độ ăn cho bà bầu cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất đạm, chất béo, đường bột, chất xơ và các vitamin cần thiết. Các vitamin nhóm A, B, C, D, E, K: Có thể bổ sung thông qua các loại thực phẩm tự nhiên hàng ngày.

  • Canxi: Có nhiều trong sữa, trứng, váng sữa, sữa chua…
  • Acid folic: Đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của hệ thần kinh ở trẻ, có nhiều trong gan động vật, rau có màu xanh thẫm, súp-lơ, các loại đậu…
  • Omega 3: Trong thành phần dầu ăn, dầu oliu và mỡ cá…
  • Protein: Có trong các loại thực phẩm như cá, gà, thịt, trứng và đậu, giúp cho quá trình tạo cơ, xương và tạo máu.
  • Sắt: Rất quan trọng trong sự tạo máu, vận chuyển oxy, có nhiều trong gan lợn gà, lòng đỏ trứng gà, thịt bò (hoặc trong các loại thịt đỏ), các loại rau củ quả hạt tự nhiên như đậu, đỗ.
  • Kẽm: Rất giàu trong cá, hải sản, thịt gia cầm và sữa. Kẽm là nguyên tố cần thiết để đảm bảo cân nặng và kích thước vòng đầu của em bé. Kẽm còn đóng vai trò nhất định cho sự phát triển của trẻ trước và sau sinh.
  • Iốt: cần bổ sung iốt để hoàn thiện sự phát triển não bộ của trẻ.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai có thể sử dụng các loại thuốc bổ, các viên đa vitamin để bổ sung các vi chất thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, cần sử dụng các viên uống bổ sung này với liều lượng hợp lý và dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.