Những điều cần biết về bệnh lý mộng thịt

1. Bệnh mộng thịt là gì?
– Mộng thịt là sự tăng sinh kết mạc nhãn cầu ở góc trong hoặc góc ngoài mắt từ rìa hướng vào trung tâm giác mạc. Bệnh có thể tiến triển chậm trong nhiều năm hoặc tiến triển rất nhanh xâm lấn qua vùng rìa giác mạc và tiến vào vùng trung tâm giác mạc (đồng tử) làm giảm thị lực. Phần mộng thịt nhô lên có thể phá hủy màng phim nước mắt gây cảm giác kích thích, xốn cộm, chảy nước mắt sống và tổn thương biểu mô giác mạc.
– Phân loại mộng: Theo Cornand (1989) phân ra làm 3 độ:
+ Độ I: Mộng vượt quá rìa 1-2mm, đầu mộng gồ lên trên giác mạc, thân mộng không dày, chứa vài mạch máu chạy theo
hướng vào giác mạc.
+ Độ II: Mộng đang ở hình thái hoạt động, đầu mộng xâm lấn vào giác mạc 2-4mm, có thể thấy đảo Fuchs, thân mộng dày nhiều mạch máu giãn.
+ Độ III: Là hình thái tiến triển của mộng, đầu mộng xâm lấn quá rìa 4mm vào giác mạc gây ảnh hưởng tới thị lực, thân mộng dày đỏ, mạch máu dày đỏ và giãn rộng.

2. Nguyên nhân gây bệnh mộng thịt là gì?
– Hiện có rất nhiều giả thuyết về nguyên nhân và cơ chế gây
bệnh mộng thịt, trong đó có thuyết về vi chấn thương, về tia cực tím, về sự rối loạn tế bào mầm ở vùng rìa …song chưa có giả thuyết nào tỏ ra thuyết phục hoàn toàn. Những nghiên cứu sinh học phân tử gần đây cho rằng gen p53 có liên quan đến việc hình thành khối u cũng như hình thành mộng.

3. Những yếu tố nào ảnh hưởng và làm tăng nguy cơ mắc mộng thịt ?
3.1 Có rất nhiều yếu tố nguy cơ mắc mộng thịt như:
-Sống khu vực khí hậu nóng, khô
-Làm công việc ngoài trời nhiều
-Thường xuyên tiếp xúc với gió, bụi, phấn hoa hay các chất gây kích ứng, khô mắt

4. Biểu hiện thường gặp của bệnh mộng thịt là gì?
– Khi mộng thịt ở độ I: ít gây ra các triệu chứng chủ quan khó chịu. Ở độ II và III: mộng thịt gây cộm đỏ khó chịu ở mắt, gây giảm thị lực và loạn thị.
– Các triệu chứng ở mắt như nóng rát ở trong mắt, sợ ánh sáng khi tiếp xúc với các tác nhân lạnh hay nóng, hoặc như có cảm giác có dị vật ở trong mắt, chảy nước mắt.
– Các triệu chứng này tăng lên khi mộng thịt ở giai đoạn viêm nhiễm, đi kèm với các kích thích đau bởi các loét nhỏ ở trên giác mạc xung quanh đầu mộng. Mộng thịt có thể gây mờ đục giác mạc chu biên, làm thay đổi film nước mắt và co kéo cũng làm hạn chế vận nhãn.

5. Những biến chứng xảy ra nếu không điều trị mộng thịt là gì?
– Đục giác mạc
– Thị lực giảm
– Loạn thị

6. Chẩn đoán xác định bệnh mộng thịt như thế nào?
– Mộng thịt nguyên phát là mộng chưa mổ lần nào, xuất hiện ở vùng khe mi vị trí 3h và 9h. Đó là một khối tăng sinh hình tam giác và luôn phát triển đi về hướng giác mạc. Mộng thịt dính chặt vào giác mạc theo suốt chiều dài của nó và dính chặt nhất là ở đầu mộng. Điều này cũng dễ chẩn đoán phân biệt với mộng giả.
– Mộng thịt tái phát: sau phẫu thuật một hoặc nhiều lần. Đó là sự tăng sinh mô sợi dưới kết mạc và dính chặt vào các mô liên kết. Nó khác biệt với quá trình thoái hoá trong mộng nguyên phát.

7. Phẫu thuật mộng thịt được chỉ định và chống chỉ định khi nào?
– Chỉ định phẫu thuật khi:
+ Mộng thịt độ II trở lên có thể phẫu thuật hoặc bệnh nhân cảm thấy khó chịu nhiêu ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày.
– Chống chỉ định phẫu thuật:
+ Người bệnh có các viêm nhiễm cấp tính ở mắt như: viêm kết mac, viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm túi lệ,…, hoặc bệnh toàn thân.

8. Phương pháp điều trị Mộng thịt hiện nay như thế nào?
– Điều trị nội khoa không có hiệu quả về thực thể đối với mộng thịt, chỉ làm giảm triệu chứng trong những đợt viêm kích thích mà phẫu thuật là cần thiết.
– Phẫu thuật mộng thịt có nhiều phương pháp khác nhau nhưng chưa có phương pháp nào thực sự hoàn hảo như cắt mộng đơn thuần hoặc di chuyển hướng đi của mộng, cắt mộng có ghép kết mạc hoặc giác mạc lớp, cắt mộng có kết hợp áp thuốc chống chuyển hóa (như Thiothepa, 5FU, Mytomycin C).
* Tìm hiểu về Phẫu thuật ghép kết mạc tự thân: Phẫu thuật ghép kết mạc tự thân là một dạng của ghép bề mặt ngoài nhãn cầu nhờ một mảnh ghép kết mạc rời lấy từ kết mạc nhãn cầu phía thái dương trên và khâu đính vào củng mạc ở vị trí vừa cắt bỏ mộng thịt. Ghép kết mạc tự thân đầu tiên được sử dụng cho mộng thịt tiến triến triển và tái phát, nhưng bây giờ nó đã được chấp nhận trở thành một phương pháp chọn lựa cho điều trị mộng thịt nguyên phát.

9. Phòng bệnh mộng thịt bằng cách nào?
– Tránh tiếp xúc với các môi trường kích thích như gió, bụi, khói, cát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
– Dùng kính, mũ, nón khi ra ngoài để cản bớt ánh nắng và tránh tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại, sẽ hạn chế tỷ lệ mắc bệnh.