Nội soi phế quản ống mềm – Nâng cao hiệu quả chẩn đoán lao phổi tại Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng

Lao là một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất thế giới, cao hơn cả sốt rét và HIV/AIDS. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam đứng thứ 16 trên 30 quốc gia có số người mắc bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Từ năm 2022, các bác sỹ Khoa Nội Hô hấp – Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng đã ứng dụng phương pháp nội soi phế quản ống mềm hiện đại để chẩn đoán, phát hiện nhiều trường hợp ho ra máu, viêm phổi, ho kéo dài do lao, hỗ trợ nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lao phổi.

Nội soi phế quản ống mềm là kỹ thuật được ứng dụng ngày càng rộng rãi để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp cũng như điều trị một số bệnh về phổi. Đây là thủ thuật giúp quan sát trực tiếp đường hô hấp bằng một ống soi mềm, cho phép bác sỹ dễ dàng lấy mẫu mô, tế bào, dịch của phổi để thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bệnh nhân nội soi phế quản bằng ống mềm sẽ được gây tê hoặc gây mê để quá trình diễn ra nhanh chóng, ít có cảm giác đau đớn hay khó chịu.

Với những ưu điểm và hiệu quả của nội soi phế quản ống mềm, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình đang triển khai thường quy kỹ thuật này trong chẩn đoán lao phổi và điều trị các bệnh lý đường hô hấp.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân N.D.L (38 tuổi, trú tại Đà Nẵng), nhập viện Bệnh viện Gia Đình trong tình trạng ho ra máu. Kết quả CT ngực cho thấy hình ảnh viêm giãn phế quản thuỳ trên phổi trái, gây vỡ xuất huyết động mạch phế quản. Các bác sỹ đã thực hiện nội soi phế quản và phát hiện ở khí quản đọng nhiều máu bầm, phế quản gốc cả 2 phổi. Sau khi tiến hành bơm thuốc cầm máu đồng thời lấy dịch phế quản làm xét nghiệm, kết quả cho thấy bệnh nhân dương tính với Lao, mặc dù trước đó bệnh nhân có mẫu đờm AFB (vi khuẩn gây bệnh lao) âm tính. Sau thủ thuật, tình trạng ho ra máu của bệnh nhân đã chấm dứt và được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa để tiếp tục điều trị Lao theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

 

Hình ảnh phế quản của bệnh nhân thông qua nội soi

Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh lao phổi là tìm thấy vi khuẩn lao trong bệnh phẩm của người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế, hơn 50% bệnh nhân lao phổi có kết quả xét nghiệm AFB đờm âm tính, tức là không phát hiện vi khuẩn lao trong đờm mặc dù họ đã mắc bệnh. Do đó, việc chỉ dựa vào xét nghiệm mẫu đờm rất dễ dẫn đến thiếu sót trong chẩn đoán, khiến tình trạng bệnh diễn biến nặng hơn và gây lây nhiễm cho cộng đồng.

Đối với trường hợp trên, nội soi phế quản ống mềm là giải pháp tối ưu bởi kỹ thuật này giúp lấy bệnh phẩm trực tiếp từ đường hô hấp dưới, tăng khả năng phát hiện  chính xác bệnh lao so với việc lấy mẫu đờm. Thêm vào đó, nội soi ống mềm kết hợp sinh thiết lấy mẫu để làm các xét nghiệm dịch phế quản, mô bệnh học có thể tìm ra các nguyên nhân khác gây tổn thương phổi như các vi khuẩn, nấm gây bệnh hay các tổn thương u phổi, ung thư phổi. Trên cơ sở đó, bác sỹ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và lựa chọn phác đồ điều trị hiệu quả cho từng bệnh nhân.

Ngoài ra, trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng ho ra máu, nội soi phế quản ống mềm có thể xác định vị trí các điểm chảy máu, từ đó can thiệp bơm thuốc cầm máu tại chỗ kịp thời, góp phần điều trị tình trạng ho ra máu cho người bệnh.

Triển khai kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm từ năm 2022, khoa Nội Bệnh viện Gia Đình Đà Nẵng đã và đang mở rộng ứng dụng phương pháp này để đánh giá các trường hợp ho ra máu, ho kéo dài, tràn dịch màng phổi không rõ nguyên nhân, đánh giá các tổn thương sau đặt nội khí quản, hẹp khí quản, điều trị hút rửa phế quản, loại bỏ dị vật đường thở, sinh thiết chẩn đoán lao phổi, ung thư phế quản phổi… Qua đó, nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh lý đường hô hấp, giúp người dân Đà Nẵng được tiếp cận kỹ thuật chẩn đoán và điều trị hiện đại ngay tại địa phương.