Những điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ

1. Khái quát về bệnh đậu mùa khỉ
– Bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox) là bệnh gây ra bởi một loại virus cùng họ với virus gây bệnh đậu mùa. Virus đậu mùa khỉ đầu tiên được phân lập vào năm 1958 ở những con khỉ nghiên cứu được chuyển từ Singapore tới Đan Mạch. Tuy nhiên, trường hợp mắc bệnh trên người đầu tiên được xác định vào năm 1970 ở Công-gô.
– Năm 1980, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo ngừng tiêm chủng thông thường bệnh đậu mùa đã tạo cơ hội cho bệnh đậu mùa khỉ có cơ hội phát triển. Trước khi bùng phát vào năm 2022, bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở người dân ở một số quốc gia Trung và Tây Phi.
– Tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ trước đây dao động từ 0 đến 11% trong dân số chung và tỉ lệ mắc cao hơn ở trẻ nhỏ. Trong thời gian gần đây, tỷ lệ tử vong dao động trong khoảng 3-6%.

2. Nguyên nhân gây bệnh?
Virus đậu mùa khỉ là một loại virus DNA, thuộc chi Orthopoxvirus của họ Poxviridae, có hình viên gạch, kích thước khoảng 200-250 nm, được bao bọc bởi lớp vỏ lipoprotein.

Virus đậu mùa khỉ

Virus có thể xâm nhập bằng cách:
• Tiếp xúc trực với dịch tiết, máu hoặc các tổn thương ở da, niêm mạc của người bị nhiễm bệnh.
• Tiếp xúc gần qua các giọt bắn đường hô hấp.
Như vậy, các hoạt động sinh hoạt và tiếp xúc gần với người mắc bệnh, dùng chung vật dụng, quần áo có dính dịch tiết, qua đường tình dục và qua đường hô hấp ở cự li gần cũng có thể lây truyền bệnh.

3. Triệu chứng thường gặp
Thời gian ủ bệnh từ 6 -13 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Các triệu chứng cũng có thể bắt đầu sớm hơn từ 5 ngày hoặc chậm hơn đến 21 ngày.
Các triệu chứng của bệnh:
• Sốt
• Nhức đầu
• Đau cơ
• Đau lưng
• Sưng hạch bạch huyết
• Ớn lạnh
• Kiệt sức
Trong vòng 1 đến 3 ngày (đôi khi lâu hơn) kể từ khi bị sốt, bệnh nhân nổi mẩn, thường bắt đầu bằng vết đau trong miệng và trên mặt rồi lan tới các bộ phận khác của cơ thể (tay, chân,…). Trong 2-4 tuần tiếp theo, các tổn thương tiến triển từng đợt, từ vết mẩn đỏ phẳng rồi phát triển thành mụn mủ sau đó đóng vảy rồi tróc ra. Sau khi tất cả các lớp vảy bong ra, bệnh nhân không còn khả năng lây bệnh cho người khác.

4. Chẩn đoán bệnh như thế nào?
– Chẩn đoán thăm khám lâm sàng nhằm phân biệt đậu mùa khỉ với các bệnh phát ban khác, chẳng hạn như bệnh thủy đậu, bệnh sởi, nhiễm trùng da do vi khuẩn, bệnh ghẻ, bệnh giang mai và dị ứng do thuốc.
– Nổi hạch trong giai đoạn đầu của bệnh có thể là đặc điểm để phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc bệnh đậu mùa.
– Nhiễm bệnh đậu mùa khỉ có thể được xác định thông qua phân lập trong nuôi cấy virus hoặc PCR tìm DNA virus từ bệnh phẩm (dịch từ mụn mủ/ mụn nước, các tổn thương da hoặc các lớp vảy khô,…).
– Ngoài ra, hình ảnh trên kính hiển vi điện tử, nhuộm hóa mô miễn dịch tìm kháng nguyên, xét nghiệm kháng thể IgM và IgG cũng có thể xác nhận sự hiện diện của virus. Tuy nhiên, cũng có trường hợp dương tính giả khi nhiễm virus cùng họ khác hoặc tiêm vaccine phòng bệnh trước đó.

5. Điều trị bệnh
– Hiện tại, chưa có thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Điều trị chủ yếu là chăm sóc triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng và di chứng lâu dài.
– Người bệnh được cung cấp đầy đủ dịch truyền và thức ăn để duy trì trạng thái dinh dưỡng, tăng cường khả năng miễn dịch. Điều trị nhiễm trùng thứ phát (bội nhiễm) theo chỉ định.
– Một loại thuốc kháng virus có tên là tecovirimat (TPOXX) được cơ quan dược phẩm Châu Âu (EMA) cấp phép vào năm 2022 để điều trị bệnh đậu mùa khỉ, được khuyến nghị trong những trường hợp bệnh nặng hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu.

6. Vaccine phòng bệnh
– Chủng ngừa đậu mùa được chứng minh qua một số nghiên cứu là có hiệu quả ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ khoảng 85%. Việc tiêm phòng đậu mùa (ACAM200) có thể giúp bệnh nhẹ hơn. Tuy nhiên, hạn chế là hiện tại vaccine đậu mùa thế hệ đầu đã không còn được tiêm chủng rộng rãi mà chỉ áp dụng cho một số đối tượng đặc biệt (nhân viên y tế/ phòng thí nghiệm).
– Một loại vaccine mới được nghiên cứu gần đây, dựa trên một chủng virus được sửa đổi để có độc lực nhẹ hơn, gọi là MVA (modified vaccinia Ankara), đã được phê duyệt để phòng bệnh đầu mùa khỉ vào năm 2019. Tên gọi trên thị trường là JYNNEOS, bao gồm 2 mũi tiêm và vaccine có hiệu lực bảo vệ sau 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ hai.

7. Làm thế nào để phòng ngừa đậu mùa khỉ
Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ và giáo dục về các biện pháp phòng bệnh là chiến lược phòng ngừa chính đối với bệnh đậu mùa ở khỉ.
7.1. Giảm nguy cơ lây truyền từ người sang người
– Tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người bị phát ban giống bệnh đậu mùa:
+ Không chạm vào vết phát ban hoặc vảy của người bệnh.
+ Không hôn, ôm hoặc quan hệ tình dục với người bệnh.
– Tránh tiếp xúc với các đồ vật và vật liệu mà người bệnh đã sử dụng:
+ Không dùng chung dụng cụ ăn uống hoặc cốc/ly với người bệnh.
+ Không cầm hoặc chạm vào chăn/ gối, khăn tắm hoặc quần áo của người bệnh.
– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt là trước khi ăn hoặc sau khi đi vệ sinh.

7.2. Giảm nguy cơ lây truyền từ động vật sang người
– Tránh tiếp xúc với động vật gặm nhấm, các loài linh trưởng. Đặc biệt các động vật bị bệnh chết.
– Các vật nuôi có khả năng bị nhiễm bệnh nên được cách li với các động vật khác. Phải tiến hành cách ly, xử lý theo tiêu chuẩn các động vật nghi nhiễm bệnh và theo dõi các triệu chứng bệnh trong vòng 30 ngày.

Các biện pháp phòng ngừa đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế

TS.BS. Nguyễn Văn Vy Hậu
Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Tài liệu tham khảo:
1. Quyết định số 2099/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.
2. Centers for Disease Control and Prevention (CDC), Monkeypox, access date: 09/08/2022
3. WHO (2022), Monkeypox, access date: 09/08/2022
4. Moore MJ, Rathish B, Zahra F. Monkeypox. 2022 Jul 16. In: StatPearls [Internet]. Treasure Island (FL): StatPearls Publishing; 2022 Jan–. PMID: 34662033.