Quản lý thai kỳ thụ tinh trong ống nghiệm

Hành trình mang thai là hành trình đầy thử thách và gian nan mà mỗi bà mẹ đều phải trải qua để đón nhận khoảnh khắc hạnh phúc khi em bé chào đời. Đối với những bà mẹ mang thai thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hành trình ấy còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Quản lý thai kỳ IVF có vai trò vô cùng quan trọng, từ lúc phôi thai hình thành, được chuyển vào buồng tử cung của người mẹ cho đến khi em bé chào đời an toàn, khỏe mạnh và hạn chế các vấn đề không mong muốn có thể xảy ra như sẩy thai, thai ngưng phát triển, sanh non, nhau bong non, nhiễm trùng, băng huyết,… đối với mẹ; nhẹ cân, suy dinh dưỡng, dị tật thai nhi, vàng da, nhiễm trùng, suy hô hấp,… đối với trẻ.
Vậy, quản lý thai kỳ IVF như thế nào là hợp lý, một số thời điểm quan trọng mẹ cần chú ý?

Mốc 1: Thời điểm tương đương thai 4 tuần tuổi
Thực hiện xét nghiệm beta HCG để xác định xem có thai hay không ở mốc tương đương với tuổi thai 4 tuần.
• Sau chuyển phôi 10 ngày với phôi giai đoạn phôi nang (phôi ngày 5 và 6)
• Sau chuyển phôi 13 ngày với phôi giai đoạn phôi dâu (phôi ngày 2 và ngày 3)
Dựa vào kết quả beta HCG bác sỹ có thể tiên lượng kết quả thai kì của mẹ.
Sau xét nghiệm mẹ sẽ được bác sỹ chuyên khoa hỗ trợ sinh sản tư vấn và theo dõi.
Tuỳ vào kết quả beta HCG và tiền sử thai kì trước mà bác sỹ có lịch hẹn thử lại beta HCG hoặc siêu âm ở những thời điểm tiếp theo.

Mốc 2: Thời điểm tương đương 6 – 8 tuần
– Siêu âm để xác định vị trí thai, số lượng thai, sức khoẻ thai thông qua việc đánh giá túi thai, noãn hoàng, phôi thai, tim thai.
– Trong những trường hợp đa thai có chỉ định giảm thai, mẹ được khuyến cáo giảm thai ở thời điểm 7.5 tuần đến 8.5 tuần.
– Sử dụng thuốc hỗ trợ hoàng thể theo hướng dẫn của bác sỹ hỗ trợ sinh sản.

Mốc 3: Thời điểm tương đương 9 – 10 tuần
– Siêu âm nhằm đánh giá sự phát triển của phôi thai.
– Tiếp tục sử dụng thuốc hỗ trợ hoàng thể theo hướng dẫn của bác sỹ hỗ trợ sinh sản.

Mốc 4: Thời điểm thai 12 tuần
– Siêu âm nhằm đánh giá các cấu trúc hình thái thai quý I, đo độ mờ da gáy (Nuchal Traslucency).
– Thực hiện sàng lọc trước sinh bằng Double test hoặc NIPT. Trong một số trường hợp đặc biệt bác sỹ sẽ khuyến cáo mẹ ưu tiên thực hiện NIPT.
– Sinh thiết gai nhau, chọc ối,… đối với những trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao, bất thường nhiễm sắc thể. Mẹ sẽ được bác sỹ tư vấn về giá trị và nguy cơ của các xét nghiệm trước khi thực hiện.
– Xét nghiệm máu cơ bản cho mẹ.
– Thăm khám tầm soát nguy cơ tiền sản giật, tư vấn dự phòng tiền sản giật cho các sản phụ có yếu tố nguy cơ.
– Thăm khám đánh giá về nguy cơ sanh non trong thai kì và các biện pháp can thiệp, thời điểm can thiệp trong trường hợp cần thiết.

Mốc 5: Thời điểm thai 16 – 20 tuần
– Siêu âm đánh giá sự phát triển của thai.
– Siêu âm ngả âm đạo đo chiều dài cổ tử cung nhằm sàng lọc nguy cơ sinh non, đặc biệt đối với thai phụ có tiền sử sinh non, mang thai đôi. Tùy vào trường hợp, sẽ có chỉ định dùng Progesterone đặt âm đạo/ hậu môn; đặt vòng Arabin; khâu cổ tử cung nếu cần thiết.

Mốc 6: Thời điểm thai 21 – 23 tuần

– Siêu âm hình thái thai nhi chi tiết.
– Siêu âm tim thai chi tiết.
– Siêu âm đo chiều dài cổ tử cung ngả âm đạo.
– Siêu âm đánh giá vị trí, hình dạng, vị trí bánh nhau nhằm phát hiện sớm nhau tiền đạo.
– Tư vấn tiêm phòng uốn ván.

Mốc 7: Thời điểm thai 24 – 28 tuần
– Siêu âm hình thái thai chi tiết.
– Hỗ trợ phổi thai nhi trong trường hợp có chỉ định
– Thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường Glucose để tầm soát đái tháo đường thai kỳ cho mẹ.
– Xét nghiệm nước tiểu cho mẹ.
– Tư vấn tiêm phòng uốn ván

Mốc 8: Thời điểm thai 30 – 32 tuần
– Siêu âm Doppler đánh giá phát triển thai nhi.
– Xét nghiệm nước tiểu cho mẹ.
– Hỗ trợ phổi thai nhi trong trường hợp có chỉ định
*** Lưu ý: Siêu âm đánh giá sự phát triển của thai có thể so sánh với bảng cân nặng chuẩn thai nhi WHO (Bảng I) , đánh giá các chỉ số sinh học (vòng bụng, đường kính lưỡng đỉnh,…), đánh giá Doppler các mạch máu tử cung, rốn, não giữa,… Các siêu âm đánh giá và tư vấn về kết quả cần được bác sỹ chuyên khoa thực hiện.

Bảng I: Bảng cân nặng và chiều dài thai nhi theo tiêu chuẩn của WHO

Mốc 9: Thai 34 – 36 tuần
– Siêu âm Doppler đánh giá sự phát triển của thai nhi.
– Đo biểu đồ tim thai và cơn gò tử cung để đánh giá sức khoẻ thai nhi và dấu hiệu chuyển dạ.
– Xét nghiệm nước tiểu cho mẹ.
– Xét nghiệm nuôi cấy dịch âm đạo tìm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm B đối với thai từ 36 tuần trở đi.

Mốc 10: Thai 36 – 40 tuần
– Khuyến cáo mẹ thăm khám thai mỗi tuần ở mốc 36 tuần trở lên nhằm giảm thiểu nguy cơ cho thai nhi.
– Đo biểu đồ tim thai và cơn gò tử cung để đánh giá sức khoẻ thai nhi và dấu hiệu chuyển dạ.
– Đối với thai kỳ IVF mẹ được khuyến cáo cân nhắc chấm dứt thai kỳ khi thai tương đương 39 tuần. Ở những thai kì đa thai hoặc thai có những bất thường kèm theo thời điểm chấm dứt thai kì sẽ được bác sỹ chuyên khoa thăm khám và chỉ định.

Thai kì IVF là thai kì tiềm ẩn nhiều nguy cơ, biến chứng nên cần mẹ có chế độ theo dõi và chăm sóc đặc biệt, sát sao. Khi có những dấu hiệu nguy cơ như cơn đau bụng, ra huyết, ra dịch âm đạo bất thường, thai máy ít,… mẹ cần đến bệnh viện kiểm tra hoặc nhanh chóng liên hệ với bác sỹ hỗ trợ kịp thời. Để bảo đảm sức khoẻ của mẹ và bé, để có một thai kì an nhiên, các mẹ bầu có thai từ IVF cần tìm cho mình một địa chỉ quản lý thai kì uy tín, giàu kinh nghiệm và tận tâm, có khoa sơ sinh và hồi sức sơ sinh tốt để em bé được theo dõi và xử trí tốt nhất khi mới chào đời.

BS. Huỳnh Hoàng Mi
BS. Mai Đức Tiến
Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa Gia Đình