Sự thay đổi của cơ thể trong 3 tháng cuối

Trong 3 tháng cuối của thai kỳ, bên cạnh việc cảm nhận cử động thai rõ và mạnh hơn, người mẹ sẽ có một số thay đổi trong cơ thể. Trong đó có những thay đổi bắt đầu xuất hiện từ quý 2 và kéo dài đến quý 3 như hệ hô hấp (thở nhanh nông), hệ thần kinh (rối loạn giấc ngủ).
1. Hệ thống cơ xương khớp
– Dưới ảnh hướng của sự thay đổi hormone, các khớp cùng chậu, cùng cụt và khớp mu giãn nở, tăng tính di động nên người mẹ có thể cảm nhận cơn đau ở những vị trí này, đặc biệt khi thay đổi tư thế và di chuyển.
– Người mẹ có thể cảm thấy sưng đau ở chi trên đặc biệt ở vùng bàn ngón và cổ tay vào buổi sáng mỗi khi ngủ dậy.
– Sự thay đổi của đường cong cột sống vì trọng lượng cơ thể tăng lên trong những tháng cuối thai kỳ dẫn đến cơn đau ở vùng cột sống thắt lưng có thể tăng lên nhiều hơn.

2. Hệ tiết niệu
Vào các tháng cuối của thai kỳ, khi em bé di chuyển xuống sâu hơn vào khung chậu, người mẹ sẽ cảm thấy nhiều áp lực hơn lên bàng quang dẫn đến cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên hơn. Áp lực tăng thêm này cũng có thể khiến người mẹ bị rò rỉ nước tiểu, đặc biệt là khi cười, ho, hắt hơi, cúi người hoặc nâng đồ vật.

3. Cơn go Braxton Hick
– Cơn gò tử cung sinh lý xuất hiện vào những tháng cuối của thai kỳ hay còn gọi là cơn gò Braxton Hick. Đặc điểm là xuất hiện với tần suất thưa thoáng qua và mất đi rất nhanh, không có tính chất nhịp nhàng đều đặn, cường độ nhẹ không gây đau. Thường xuất hiện vào buổi chiều tối, sau một ngày di chuyển, hoạt động thể dục nhẹ hoặc sau quan hệ tình dục.

4. Vú
Trong giai đoạn này, người mẹ có thể thấy đầu núm vú 2 bên tiết ít sữa gọi là sữa non. Sữa này có thể thấy khi nặn hoặc dính trong áo ngực.
Ngoài ra người mẹ có thể thấy phù ở 2 chi dưới, phù tăng lên khi đi đứng nhiều, giảm vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và khi nằm kê cao chân.