Tinh hoàn ẩn và vô sinh

Tinh hoàn ẩn là gì?
Tinh hoàn ẩn là tình trạng tinh hoàn không di chuyển xuống bìu lúc sinh, có tần suất gặp 2 – 5% ở trẻ sơ sinh đủ tháng, tỉ lệ này giảm xuống 1-2% ở trẻ sau sinh ba tháng đầu do tinh hoàn tự di chuyển được xuống bìu, ở trẻ sau sáu tháng khả năng tự di chuyển của tinh hoàn là rất hiếm gặp.

Tinh hoàn ẩn ở nam giới có khả năng sẽ gây ung thư, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây vô sinh. Phần lớn những trường hợp tinh hoàn ẩn được phẫu thuật hạ tinh hoàn trước tuổi dậy thì, vì vậy tinh hoàn ẩn hai bên ở nam giới trưởng thành ít được thấy trên thực hành lâm sàng. Phẫu thuật hạ tinh hoàn ở những trường hợp này chủ yếu để cải thiện tính thẫm mỹ và giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn hơn là phục hồi khả năng sinh sản.

Hình 1: Tinh hoàn ẩn và các vị trí thường gặp

Ở nam giới trưởng thành bị tinh hoàn ẩn, đặc biệt tinh hoàn ẩn 2 bên có tình trạng vô sinh vì thường không có tinh trùng trong tinh dịch . Tuy nhiên, đối với một cặp vợ chồng hiếm muộn gặp tình trạng tinh hoàn ẩn, vẫn có những bước tiếp cận toàn diện để vừa phục hồi khả năng sinh sản, vừa hạn chế nguy cơ ung thư cũng như tính thẩm mỹ của bệnh nhân.

Tần suất mắc phải và khả năng sinh sản của người tinh hoàn ẩn?
Tần xuất tinh hoàn ẩn nhiều nhất ở trẻ sinh non, chiếm khoảng 30% số ca mắc. Phần lớn những trường hợp này, tinh hoàn sẽ tự di chuyển xuống bìu sau khi sinh, còn khoảng 23% trong số này sẽ không di chuyển xuống bìu được nếu không có phẫu thuật hạ tinh hoàn. Tỉ lệ tinh hoàn ẩn một bên chiếm 77% (46% bên phải, 31% bên trái), cao gấp ba lần so với tinh hoàn ẩn hai bên chỉ khoảng 23%.

Phát hiện tinh hoàn ẩn – tinh hoàn không xuống bìu có thể ở những tháng cuối thai kì khi siêu âm thai, tình trạng được theo dõi đánh giá lúc sau sinh và giai đoạn sơ sinh. Phát hiện tinh hoàn ẩn ở nam giới trưởng thành bằng thăm khám lâm sàng hoặc siêu âm vùng bẹn bìu.

Cơ chế chính gây vô sinh của tinh hoàn ẩn là do thiếu hụt tế bào mầm sinh tinh, tế bào này sẽ dần hết khi trẻ ở tháng tuổi thứ 12 sau sinh vì môi trường ở ống bẹn và ổ bụng không thích hợp cho việc phát triển của các tế bào mầm sinh tinh. Do dó, nếu tinh hoàn không tự xuống, phẫu thuật hạ tinh hoàn ở trẻ thường được thực hiện khi trẻ được 12 – 18 tháng tuổi.

Nguy cơ vô sinh nam tăng lên ở những trường hợp tinh hoàn ẩn, nhất là tinh hoàn ẩn 2 bên, nếu không được điều trị phẫu thuật hạ tinh hoàn, tỉ lệ mắc vô sinh có thể lên đến 89% đối với tinh hoàn không xuống hai bên và 32% đối với tinh hoàn không xuống một bên.

Hình 2 : Thăm khám có thể phát hiện sớm tinh hoàn không xuống ở trẻ sơ sinh

Điều trị hiếm muộn ở những trường hợp tinh hoàn ẩn
Phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn nên được thực hiện trong vòng 12-18 tháng đầu đời của trẻ để hạn chế nguy cơ vô sinh cũng như ung thư tinh hoàn.

Nếu nam giới trưởng thành có tinh hoàn ẩn và tình trạng mong con, cần đánh giá khả năng sinh sản của hai vợ chồng, kết hợp những yếu tố của vợ như độ tuổi, dự trữ buồng trứng, những bệnh lý phụ khoa kèm theo, tiền sử mang thai, tiền sử điều trị mong con để đánh giá điều trị toàn diện khả năng sinh sản.

Trong trường hợp các chỉ số tinh dịch đồ của chồng phản ánh khả năng có thai tự nhiên rất thấp, thì việc thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm là cần thiết. Hiện tại với kĩ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn, chỉ với một số lượng hạn chế tinh trùng cũng có thể giúp được các cặp vợ chồng có con.

Đối với nam giới mắc tinh hoàn ẩn không có tinh trùng trong mẫu xuất tinh, việc thực hiện phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn để hy vọng phục hồi khả năng sinh tinh khi đưa tinh hoàn xuống bìu có thể là lựa chọn khi điều trị mong con, bên cạnh việc tầm soát nguy cơ ung thư tinh hoàn kèm theo. Đối với những trường hợp tinh hoàn ẩn một bên, có thể thực hiện phẫu thuật trích tinh trùng từ tinh hoàn đã xuống để tìm tinh trùng, nếu thất bại, có thể thực hiện phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn để có thể phục hồi khả năng sinh tinh của tinh hoàn ẩn.

Kết luận
Tinh hoàn ẩn là một trong những nguyên nhân của vô sinh nam, đối với trẻ sơ sinh cần đánh giá và phát hiện sớm lúc sinh để có những theo dõi xử trí kịp thời hạn chế biến chứng vô sinh hay ung thư hoá.
Với những chứng cứ thực hành lâm sàng hiện tại, ở cặp vợ chồng khám hiếm muộn chồng có tinh hoàn ẩn, cần đánh giá toàn diện cả hai vợ chồng khi thực hiện điều trị.Các phương pháp: thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật trích tinh trùng, phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn là những lựa chọn có thể cân nhắc để điều trị hiếm muộn ở những cặp vợ chồng mong con kèm tình trạng tinh hoàn ẩn.

BS. Võ Văn Cường, Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
BS. Mai Đức Tiến, Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVFMD FAMILY
ThS.BS. Đoàn Phước Hiệp, Khoa Ngoại
Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng

Tài liệu tham khảo:

  1. Tinh hoàn không xuống và vô sinh. Võ Văn Cường, Đoàn Phước Hiệp, Mai Đức Tiến. Y học sinh sản số 58, 2021
  2. Gilvydas V, Dalius M, Darius D, Faruk H, et al. “Histopathology of Unilateral Cryptorchidism.” Pediatric and Developmental Pathology, vol. 0, no. 0, 2018, pp. 1–6.
  3. Marc G, Howard H.K. “Scrotal Orchiopexy for Adult Retractile Testis.” Surgical and Medical Management of Male Infertility, 1st ed., Cambridge, 2013, p. 157.