Những điều sản phụ cần biết về chăm sóc và điều trị nhau bong non

1. Nhau bong non là gì?
– Nhau bong non là tình trạng nhau bám ở vị trí bình thường nhưng bong một phần hay toàn bộ sớm trước khi thai sổ ra ngoài do bệnh lý hoặc chấn thương.

2. Nguyên nhân nào gây ra tình trạng nhau bong non?
– Nguyên nhân gây nhau bong non vẫn được xác định rõ ràng, ngoại trừ một vài trường hợp do chấn thương. Các yếu tố nguy cơ đối với rau bong non bao gồm:
– Mẹ cao tuổi.
– Cao huyết áp (do mang thai hoặc mạn tính).
– Thiếu máu bánh rau (bệnh thiếu máu bánh rau) biểu hiện là chậm tăng trưởng trong tử cung.
– Đa ối.
– Nhiễm trùng trong màng ối (nhiễm trùng ối).
– Viêm mạch.
– Các rối loạn mạch máu khác.
– Nhau bong non trước.
– Chấn thương vùng bụng.
– Mẹ mắc chứng rối loạn huyết khối.
– Hút thuốc.
– Vỡ ối sớm.
– Sử dụng cocain (nguy cơ lên tới 10%).

3. Những triệu chứng thường gặp của nhau bong non?
– Đột ngột đau bụng dữ dội.
– Ra máu âm đạo đỏ sẫm, loãng, không đông.
– Tử cung go cứng nhiều, trương lực cơ tử cung tăng, tử cung cứng như gỗ và tử cung tăng chiều cao.
– Có thể thai suy hoặc mất tim thai.
– Có thể choáng: da xanh , niêm mạc nhợt nhạt, ngất.
– Có thể có hội chứng tiền sản giật.
– Khi bác sỹ khám âm đạo có tình trạng: ra máu âm đạo, đoạn dưới căng, cổ tử cung chắc, siết chặt ở lỗ trong cổ tử cung, màng ối căng phồng, nước ối có thể lẫn máu.

4. Phân loại và triệu chứng của nhau bong non?
4.1. Thể nhẹ
– Tổng trạng thường, chảy máu ít.
– Có thể không có dấu hiệu suy thai.
– Chuyển dạ thường diễn tiến nhanh.
– Thường chỉ chẩn đoán được khi siêu âm hoặc ghi nhận dấu hiệu huyết tụ mặt sau bánh nhau ngay sau sinh.

4.2. Thể trung bình
– Có hội chứng tiền sản giật: Phù, huyết áp cao, Protein niệu (+).
– Tử cung co cứng nhiều.
– Tim thai nhanh hay chậm.
– Ra máu âm đạo lượng vừa, loãng.
– Có thể có sốc nhẹ.

4.3. Thể nặng (phong huyết tử cung nhau)
– Sản phụ đau bụng dữ dội.
– Mất tim thai.
– Có thể kèm hội chứng tiền sản giật nặng.
– Tình trạng sốc nặng.
– Ra máu âm đạo đen, loãng, không đông.
– Trương lực cơ tử cung tăng, tử cung cứng như gỗ.
– Cổ tử cung cứng ối căng phồng, nước ối có thể lẫn máu.

5. Chẩn đoán nhau bong non dựa vào yếu tố nào?
– Chẩn đoán nhau bong non thường dành cho các trường hợp mang thai từ 22 tuần trở lên.
– Chẩn đoán nhau bong non căn cứ chủ yếu vào lâm sàng và cận lâm sàng.
– Triệu chứng lâm sàng khi thai phụ khai bệnh và bác sỹ thăm khám giống với những triệu chứng đã đề cập ở trên.
* Cận lâm sàng cho kết quả:

– Siêu âm: thấy khối máu tụ sau rau, thường là khối tăng âm vang hoặc khối âm vang không đều. Siêu âm cũng thấy sự biến đổi của nhịp tim thai hoặc xác định thai lưu.
– Monitoring: nhịp tim thai biến đổi: DIP I, DIP II, DIP biến đổi hoặc không bắt được nhịp tim thai.
– Xét nghiệm máu: số lượng hồng cầu giảm, haemoglobin giảm, tiểu cầu giảm, fibrinogen giảm, ATTP tăng hơn so với mức bình thường.
– Xét nghiệm nước tiểu thường có protein.

6. Biến chứng mà nhau bong non gây ra là gì?
6.1. Biến chứng đối với sản phụ
– Mất máu quá nhiều và đông máu rải rác lòng mạch, thường cần truyền máu.
– Có thể dẫn đến sốc giảm thể tích, suy thận, hội chứng suy hô hấp, suy đa cơ quan, cắt tử cung sau sinh.
– Cần phải mổ lấy thai khẩn cấp theo chỉ định của thai nhi hoặc sản phụ.
– Mặc dù hiếm gặp nhưng nhau bong non cũng gây ra nguy cơ tử vong cho sản phụ.

6.2. Biến chứng đối với thai nhi/trẻ sơ sinh
– Tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong chu sinh liên quan đến giảm oxy máu, ngạt, nhẹ cân và /hoặc sinh non.
– Hạn chế sự phát triển của thai nhi có thể liên quan đến các di chứng ngắn hạn và dài hạn.

7. Nhau bong non được điều trị như thế nào?
7.1. Nguyên tắc chung của xử trí
Phương pháp điều trị phụ thuộc vào:
– Tình trạng thai nhi: tim thai còn hay mất.
– Mức độ nhau bong trên siêu âm.
– Tổng trạng thai phụ: có sốc hay không.
– Tuổi thai.

7.2. Điều trị cụ thể
7.2.1. Trường hợp nhau bong ảnh hưởng tổng trạng mẹ và thai nhi
– Chỉ định mổ lấy thai cấp cứu.
– Có thể bấm ối để giảm áp lực buồng tử cung.
– Mổ đường dọc.
– Thắt động mạch tử cung dự phòng.
– Xem xét cắt tử cung khi cần thiết. Đánh giá các yếu tố:
+ Tử cung có go tốt không.
+ Có rối loạn đông máu không.
+ Tiền sử sinh con, mong con.
+ Tình trạng thai nhi, tuổi thai.
– Truyền máu cho sản phụ trong trường hợp cần thiết.

7.2.2. Trường hợp tổng trạng mẹ ổn, nhau bong non thể nhẹ và biểu đồ tim thai cho phép
– Tuổi thai > 34 tuần.
+ Tiên lượng sinh trong vòng giờ: bấm ối, sinh ngã âm đạo
+ Tiên lượng diễn biến chuyển dạ thuận lợi: bấm ối, tăng go, sinh đường âm đạo.
+ Tiên lượng diễn tiến chuyển dạ không thuận lợi: mổ lấy thai
– Tuổi thai < 34 tuần: Mẹ được khám hội chẩn và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết.
+ Hỗ trợ phổi, theo dõi sát tình trạng mẹ và thai nhi.
+ Trong thời gian theo dõi nếu tình trạng mẹ và thai nhi diễn tiến xấu thì mổ lấy thai cấp cứu.
– Trường hợp thai lưu:
+ Tổng trạng mẹ bị ảnh hưởng: mổ lấy thai.
+ Tình trạng mẹ cho phép: bấm ối, tăng go theo dõi sinh thường.
+ Điều trị nội khoa tích cực khi có rối loạn đông máu.

8. Những điều cần biết trước – trong và sau quá trình điều trị?
8.1. Trước và trong thời gian mang thai
– Giữ tinh thần thoải mái.
– Khoảng cách giữa hai lần sinh con không nên kéo dài quá 7 năm.
– Có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý.

– Nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén.
– Bổ sung axit folic trước và ngay sau khi mang thai.
– Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đầy đủ chất không kiêng khem.
– Vệ sinh sạch sẽ.
– Khi phát hiện các yếu tố nguy cơ cao như: xuất huyết âm đạo, đau trằn bụng dưới,… thai phụ cần kịp thời đến bệnh viện có chuyên khoa Sản để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
– Được tiêm thuốc trưởng thành phổi phòng suy hô hấp cho trẻ sơ sinh trong trường hợp sinh non.
– Thai phụ được theo dõi sát các yếu tố mẹ và thai
+ Tổng trạng mẹ
+ Tình trạng đau bụng
+ Tình trạng ra máu âm đạo
+ Tim thai, cơn go.
– Thai phụ vận động đi lại nhẹ nhàng trong thời gian điều trị.

8.2. Sau điều trị
Trường hợp tiếp tục theo dõi thai kỳ thai phụ chú ý:
– Chế độ ăn uống- vệ sinh, thăm khám thai như trong quá trình điều trị đã tư vấn.
– Lao động nhẹ nhàng tránh té ngã.
– Tái khám nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường:
+ Đau trằn bụng dưới.
+ Ra máu âm đạo bất thường.
+ Có nhiều cơn go thắt bụng.
– Trường hợp kết thúc chuyển dạ thực chế độ chăm sóc như bệnh nhân sinh thường hay mổ lấy thai.

8.3. Dự phòng chăm sóc
– Điều trị tốt các bệnh lý toàn thân trước khi mang thai như tiểu đường, cao huyết áp.
– Khi có thai: ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.
– Việc bổ sung acid folic có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trước khi mang thai.
– Tránh dùng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá.
– Lao động nhẹ nhàng, tránh té ngã.
– Nên đăng ký khám thai định kỳ tại một cơ sở y tế uy tín ngay sau khi có thai để được bác sĩ tư vấn và quản lý thời kỳ thai nghén.
– Nếu phát hiện nhau bong non cần khám thai đúng hẹn hoặc tái khám khi có dấu hiệu bất thường.

Đội ngũ bác sỹ sản phụ khoa tại FAMILY có trình độ chuyên môn cao, tận tâm giàu kinh nghiệm. Thường xuyên cập nhật và ứng dụng các kỹ thuật y tế tiến tiến nhất cùng với sự hỗ trợ của hệ thống phòng bệnh tiện nghi và chế độ chăm sóc đặc biệt dành cho mẹ và bé sẽ tạo nên sự thoải mái, thư giãn tối đa sau sinh để mẹ có thể nhanh chóng hồi phục, tận hưởng trọn vẹn những phút giây hạnh phúc bên con yêu.
Tại Khoa Phụ Sản Family Hành trình của Bố, Mẹ và Em bé sẽ là hành trình tuyệt vời nhất!