An toàn người bệnh – nỗ lực của Bệnh viện Đa khoa Gia Đình ( Đà Nẵng ) trong xác định nhân thân

Thực trạng người bệnh trùng tên, trùng ngày tháng năm sinh, đôi khi trùng địa chỉ nhà không phải là hiếm gặp. Vì thế, nếu chỉ dựa trên các thông tin trên để xác định nhân thân thì rủi ro trong việc nhầm lẫn người bệnh hoàn toàn có thể xảy ra. Ở Việt Nam, dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng gần như cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nào cũng phải đối diện với nguy cơ nhầm lẫn người bệnh mỗi ngày.
Xuất phát từ thực tiễn đó, cùng triết lý “An toàn người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu”, từ năm 2016, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình (Đà Nẵng) đã tiên phong xây dựng và áp dụng hệ thống xác định nhân thân bằng dấu vân tay (sinh trắc học), giúp hạn chế tối đa việc nhầm lẫn người bệnh trong khám và điều trị.

Quy trình xác định nhân thân tại Bệnh viện ĐK Gia Đình

Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh sẽ được nhân viên y tế tạo lập Hồ sơ bệnh án điện tử, đồng bộ với một dấu vân tay và hình ảnh chân dung (được chụp tại chỗ) của người bệnh. Đồng thời, mỗi bệnh nhân được cung cấp một số ID và barcode tương ứng, đề cập trên tất cả các phiếu khám, kết quả khám, xét nghiệm, …

Cứ thế, trong quá trình thăm khám tại viện, người bệnh sẽ tiến hành quét dấu vân tay bằng máy quét vân tay quang học đã được bố trí ở tất cả các quầy Lễ tân – Dược, phòng xét nghiệm, phòng thăm dò chức năng, phòng phẫu thuật,…

Lúc này, thiết bị sẽ đối chiếu với dữ liệu đã được mã hoá và lưu trữ trên hệ thống, để hiển thị đúng thông tin người bệnh trên màn hình thao tác.

Điều này cho phép nhân viên y tế xác định đúng người bệnh trước khi thực hiện bất kỳ một thao tác nào, từ đăng ký khám, lấy mẫu, chụp XQuang,… cho đến khi trả kết quả, thanh toán và nhận thuốc.

Đặc biệt, dấu vân tay này sẽ được đảm bảo lưu trữ liên tục, suốt đời, gắn liền với thông tin cá nhân cũng như hồ sơ bệnh án của người bệnh.

Giá trị của công nghệ sinh trắc học tại các cơ sở y tế

Thực tế triển khai việc ứng dụng sinh trắc học vân tay tại Bệnh viện ĐK Gia Đình đã cung cấp những minh chứng đầy sức thuyết phục về giá trị của công nghệ này trong việc xác định nhân thân người bệnh.

Tiết kiệm thời gian

“Xác định đúng một bệnh nhân chỉ mất một phút, nhưng có thể cứu cả một mạng người.” Giờ đây, với việc ứng dụng sinh trắc học tại Bệnh viện Gia Đình, chỉ tới chưa đầy 10s, nhân viên y tế đã có thể xác định đúng thông tin người bệnh để tiến hành các thủ tục, thao tác tiếp theo.

Tỉ lệ xác định đúng người bệnh vượt trội so với các phương pháp truyền thống

Trong khi các thông tin về tên tuổi, quê quán, địa chỉ, … có thể trùng lặp giữa người này và người khác, dấu vân tay là dấu ấn riêng của mỗi người, không có hai dấu vân tay trùng nhau. Dấu vân tay vĩnh viễn sẽ không thay đổi theo thời gian trừ những tác động nghiêm trọng từ môi trường.

Hơn thế, ứng dụng công nghệ sinh trắc học tại Bệnh viện ĐK Gia Đình đòi hỏi người bệnh phải tự mình quét dấu vân tay để xác định hồ sơ bệnh án thì mới có thể bắt đầu và kết thúc lượt khám. Điều này đảm bảo rằng tất cả bệnh nhân đều phải được xác định nhân thân, mà không phải phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan bỏ sót của nhân viên y tế.

Nhờ vậy, tỉ lệ xác định nhân thân và tỉ lệ xác định đúng nhân thân luôn ở mức >95%.

Tạo sự an tâm và tín nhiệm cho người bệnh

Những nỗi lo như “Kết quả xét nghiệm này có phải của tôi không? Tại sao ở bệnh viện A tôi không mắc bệnh mà đến bệnh viện này lại có? Thuốc này có đúng bệnh của tôi không hay anh/chị đưa tôi thuốc của người bệnh khác,…” không phải là hiếm gặp và cũng không phải là không có cơ sở. Nếu tiếp tục duy trì các phương pháp truyền thống trong xác định nhân thân, nhất là trong bối cảnh quá tải tại cả cơ sở y tế công lập lẫn tư nhân như hiện nay, thì những mối lo ấy sẽ vẫn còn thường trực.

Ứng dụng công nghệ sinh trắc học trong từng khâu của quá trinh thăm khám – điều trị tại các cơ sở y tế sẽ phần nào giảm lo âu, lấy lại niềm tin và sự tín nhiệm của người dân.

Ngoài giá trị nhận diện đúng người bệnh, sinh trắc học vân tay còn là cách để bảo vệ người bệnh khỏi việc đánh cắp danh tính, hoặc bị tiết lộ hồ sơ thông tin bệnh án khi không được sự cho phép.

Bên cạnh việc áp dụng sinh trắc vân tay trong nhận diện đúng người bệnh, Bệnh viện ĐK Gia Đình (Đà Nẵng) còn áp dụng đồng thời vòng đeo tay chứa barcode đối với bệnh nhân nội trú, để tạo thêm một lớp hàng rào chống nhầm lẫn đối với những người bệnh lưu trú dài ngày hơn tại viện.

Đồng thời, việc xác định người bệnh bằng nhận diện khuôn mặt đang được thử nghiệm, kết hợp cùng sinh trắc vân tay, tạo một bước đột phá kép trong nỗ lực giảm thiểu nhầm lẫn người bệnh trong một môi trường đầy rủi ro như y tế.

Khó khăn trong quá trình thực hiện

Nhiều người bệnh chưa thực sự hiểu được thao tác quét dấu vân tay trước khi thực hiện lấy mẫu hoặc thủ thuật, không ít phản ánh, phàn nàn về quy trình xác nhận nhân thân trước khi thực hiện cận lâm sàng.

Bên cạnh đó, chi phí để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nhận diện nhân thân không hề nhỏ. Riêng tại Bệnh viện Gia Đình, hơn 50 máy quét vân tay đã được trang bị tại 4 tầng khám ngoại trú, chưa kể việc đầu tư cơ sở máy móc quản lý dữ liệu tập trung và hệ thống bệnh án điện tử.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, bệnh viện cũng ghi nhận một số trường hợp không lấy được dấu vân tay, nhất là trẻ em dưới 16 tuổi, người già, bệnh nhân bị chấn thương,…

“Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan, tuy nhiên, hiểu được giá trị của việc xác định đúng người bệnh trong quá trình khám và điều trị, Bệnh viện ĐK Gia Đình vẫn luôn giữ trong mình ngọn lửa nhiệt huyết để không ngừng đánh giá, không ngừng điều chỉnh và cải tiến, để mang lại hiệu quả thực sự cho những thân chủ của mình”, chị Trần Thị Hằng – Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, BV Gia Đình cho hay.

Là bệnh viện đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong xác định nhân thân, từ khi đưa vào hoạt động, sau gần 5 năm với liên tục những cải tiến và đổi mới (định kì đánh giá hàng năm), Bệnh viện Gia Đình không còn ghi nhận những nhầm lẫn đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến an toàn người bệnh. Tỉ lệ ghi nhận việc truyền nhầm nhóm máu, nhầm lẫn kết quả xét nghiệm, chích nhầm người, phẫu thuật nhầm vị trí cơ quan, … trong thời gian qua hầu như không có.

thế, rõ ràng, việc chuyển đổi quản lý hệ thống y khoa t phương pháp thủ công sang ứng dụng công nghệ đã khẳng định và phát huy giá trị của nó, để thực sự “An toàn người bệnh luôn được đặt lên hàng đầu”.