Phẫu thuật thành công ca u ruột non hiếm gặp tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

I. Trường hợp phát hiện bệnh nhân có khối u ruột non tại Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Bị rối loạn đại tiện, đau vùng thượng vị và đầy bụng khó tiêu bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ mắc Lymphoma ruột non được chỉ định phẫu thuật.

B.N Nguyễn Văn H. (79 tuổi) đến bệnh viện Gia Đình trong tình trạng rối loạn đại tiện, đau vùng thượng vị và đầy bụng khó tiêu kéo dài, được các bác sỹ chỉ định cận lâm sàng siêu âm và chụp CT ổ bụng. Kết quả ghi nhận cho thấy, hồi tràng (phần cuối của ruột non) có thành dày, bề dày khoảng 10mm, dài 70mm, mất cấu trúc lớp kèm hạch kế cạnh tổn thương, nghi ngờ mắc Lymphoma ruột non. Sau hội chẩn, bệnh nhân được bác sỹ tư vấn nhập viện phẫu thuật điều trị.

Đây là một trường hợp lâm sàng hiếm gặp, ê-kíp các bác sỹ khoa Ngoại, Bệnh viện Đa Khoa Gia Đình, gồm Ths.Bs.Nguyễn Hoàng và Ths.Bs.Lê Xuân Long trong quá trình phẫu thuật nội soi thấy rõ khối u ruột non cách gốc hồi manh tràng 2m, gây hẹp lòng ruột, dài 70mm, kèm hạch mạc treo, đồng thời phát hiện thêm túi thừa Meckel. Do đó ê-kíp bác sỹ đã quyết định cắt bỏ đoạn ruột non chứa khối u, tái lập lưu thông tiêu hóa, lấy hạch mạc treo và loại bỏ túi thừa Meckel. Sau khi phẫu thuật thành công, sức khỏe bệnh nhân dần dần ổn định và được chỉ định xuất viện. Phẫu thuật nội soi nhằm mang lại tính thẩm mỹ cho bệnh nhân sau mổ, đồng thời cũng mang lại hiệu quả chuyên môn, giải quyết bệnh lý cho người bệnh.

Ekip bác sỹ khoa Ngoại, bệnh viện Gia Đình đang thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân

ThS.BS. Nguyễn Hoàng – Bệnh viện Đa khoa Gia Đình cho biết: “U ruột non là một dạng u hiếm gặp và không có biểu hiện triệu chứng về mặt lâm sàng trong thời gian dài. Đến khi các triệu chứng rõ rệt, khối u đã lớn, rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến mạng sống của người bệnh. Do đó nếu bệnh nhân có các tình trạng tương tự, cần đến ngay cơ sở y tế để sớm phát hiện bệnh và can thiệp kịp thời để giảm thiểu rủi ro bị u ruột non. Ngoài ra khuyến cáo người dân nên duy trì một thói quen ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học và tầm soát ung thư định kỳ.”

II. Hiểu biết thêm về bệnh lý u ruột non
1. Khái quát
– U ruột non thường hiếm gặp và có thể là một hoặc nhiều u cùng một lúc. U ruột non chia thành 2 loại:
+ U lành tính: Chiếm 25%, bao gồm: U mỡ, bệnh đa polyp ruột.
+ U ác tính: Ung thư tuyến ở tá tràng và hỗng tràng; u lympho ruột; u sarcoma; u đường tiêu hóa (là dạng ung thư có thể phát sinh ở các vị trí khác ở dạ dày, đại tràng)
– Đa số u ruột non thường không biểu hiện triệu chứng về mặt lâm sàng trong thời gian dài. Triệu chứng có thể bao gồm:
+ Đau bụng, buồn nôn, sụt cân, xuất huyết.
+ Tiêu chảy
+ Đại tiện phân đen
+ U lớn sẽ gây triệu chứng tắc ruột.
+ U có thể loét và chảy máu.

2. Các biến chứng của u ruột non
Các biến chứng u ruột non có thể kể đến như sau:
❖ Khối u ở ruột non có thể gây tắc dòng di chuyển của thức ăn và ảnh hưởng đến sự tiêu hóa.
❖ Khối u lớn hơn có thể gây tắc ruột
❖ Chảy máu khối u gây ra tình trạng thiếu máu.
❖ U ruột non biến chứng vỡ gây thủng tạng rỗng.
❖ Suy giảm hệ miễn dịch: Tình trạng đau bụng, mệt mỏi dẫn đến ăn uống kém hấp thu gây nên suy giảm hệ miễn dịch.

3. Điều trị
Việc điều trị ung thư ruột non cần căn cứ vào loại ung thư và giai đoạn tiến triển của bệnh, ngoài ra còn phải cân nhắc tới các tác dụng phụ của những phương pháp này đối với bệnh nhân, tình trạng sức khỏe cũng như sự lựa chọn phương án điều trị của người bệnh.

Dưới đây là một số biện pháp được áp dụng phổ biến trong chữa trị u ruột non ác tính:
– Phẫu thuật: Thường được chỉ định ở giai đoạn sớm nhằm cắt bỏ khối u và những vùng đã bị tế bào ung thư xâm lấn, giúp đường tiêu hóa của bệnh nhân được lưu thông trở lại
– Xạ trị: áp dụng trong trường hợp ung thư ruột non đã ở giai đoạn muộn
– Hóa trị

Bên cạnh các phương pháp điều trị nêu trên, để ngăn ngừa u ruột non ác tính thì chúng ta nên:
– Luyện tập một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe: không nên tiêu thụ nhiều đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, đồ chiên nướng và thực phẩm chế biến sẵn. Nên tích cực ăn các loại rau xanh và hạt ngũ cốc;
– Không hút thuốc lá và uống ít bia rượu;
– Nên thăm khám sàng lọc ung thư ruột non ít nhất 6 tháng/lần.

ThS.BS. Lê Xuân Long
Khoa Ngoại, Bệnh viện Đa Khoa Gia Đình

Thông tin được ghi nhận bởi:
– Báo Sài Gòn Giải Phóng
– Báo Doanh Nghiệp
– Báo Tổ Quốc