Bệnh lý Tay chân miệng ở trẻ em

Thời gian gần đây, số lượng bệnh nhi mắc bệnh Tay chân miệng đang có xu hướng tăng đột biến. Mỗi ngày, Khoa Nhi – Bệnh viện Gia Đình tiếp nhận từ 20-30 trẻ mắc căn bệnh này đến khám và điều trị.

Đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng đặc biệt tăng cao vào tháng 2 – 4 và tháng 9 – 10. Trẻ dễ bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các nốt phỏng, phân, chất nôn của người bệnh.

1. TRIỆU CHỨNG CỦA TAY CHÂN MIỆNG LÀ GÌ?

Triệu chứng của bệnh Tay chân miệng ở trẻ em bao gồm:

  • Sốt: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Ít hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt là một dấu hiệu nặng cần được để ý.
  • Mụn nước trên da: Mụn nước có thể xuất hiện ở nhiều nơi, nhưng thường có ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
  • Bứt rứt, quấy khóc vô cớ: Có thể do đau miệng, không ăn được hoặc do virus gây khó chịu trong cơ thể bé.
  • Bỏ ăn: Đau miệng hoặc do virus gây biếng ăn.
  • Giật mình
  • Thời gian bị bệnh: 3-7 ngày, có thể dài hơn nếu bệnh tiến triển nặng hoặc có biến chứng
  • Mụn nước trên da có thể tồn tại lâu hơn 7 ngày.

Trong trường hợp trẻ có những triệu chứng nặng hơn như: Co giật, run chi, đi loạng quạng không vững, hoặc thở mệt, khó thở, sốt cao nhưng không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần cho trẻ tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

2. CHĂM SÓC TRẺ BỊ TAY CHÂN MIỆNG TẠI NHÀ.

Với trẻ bị Tay chân miệng không có những dấu hiệu nặng như đã kể ở trên, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà (trẻ không cần nhập viện điều trị):

Ăn uống

  • Trẻ khi bị bệnh có cảm giác mệt mỏi, chán chường. Các vết loét ở miệng làm trẻ đau, khó ăn uống. Vì thế, ba mẹ nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa, uống nhiều nước mát. Thức ăn cần chế biến mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và đủ dinh dưỡng.
  • Không cho trẻ ngậm vú nhựa, hạn chế thức ăn thô cứng hoặc thức ăn, đồ uống có vị chua, cay vì sẽ làm trẻ đau miệng/họng hơn.
  • Ăn đủ chất dinh dưỡng để trẻ nhanh hồi phục và tang sức đề kháng.

Thuốc

  • Dùng thuốc Paracetamol để hạ sốt và thuốc khác theo đơn bác sĩ kê.
  • Cần cho trẻ uống nhiều nước hơn khi trẻ bị sốt.
  • Tại các vị trí bị tổn thương ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.
  • Rơ miệng để giảm đau và tránh bị bội nhiễm thứ phát.

Chăm sóc và vệ sinh

  • Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà.
  • Người lớn khi tiếp xúc, chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và trẻ bệnh. Sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay, để hạn chế sự lây lan khi tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ lành.
  • Tắm rửa, vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho trẻ hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn. Cho trẻ súc miệng bằng nước muối loãng.
  • Quần áo, tã lót của trẻ cần được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch.
  • Vật dụng ăn uống của trẻ như bình sữa, cốc uống nước, bát ăn cơm, muỗng ăn… nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
  • Nhận ra các dấu hiệu nặng để đưa trẻ kịp thời đến các cơ sở y tế

4. PHÒNG BỆNH

Hiện nay vẫn chưa có vaccin phòng bệnh nên người nhà cần thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế để phòng bệnh.

  1. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng.
  2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: Ăn chín, uống sôi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
  3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
  4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
  5. Sử dụng dụng cụ vệ sinh cho trẻ hợp lý, phân và các chất thải của trẻ phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
  6. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

ThS.BS. Lê Hữu Dũng
Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện ĐK Gia Đình